Tuy việc đóng cửa Parkson Paragon đang dấy lên lo ngại dư thừa nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Tp.HCM nhưng theo các chuyên gia, so với các nước trong khu vực, nguồn cung mặt bằng bán lẻ của Tp.HCM vẫn còn hết sức khiêm tốn.
Theo giới chuyên gia, mặt bằng bán lẻ tại Tp.HCM còn hết sức khiêm tốn.
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet).
Trung tâm thương mại Parkson Paragon đã chính thức đóng cửa vào đầu tuần trước để di dời sau 5 năm hoạt động. Năm 2011, Parkson chính thức trở thành nhà quản lý Trung tâm thương mại Saigon Paragon với thời hạn 19 năm, đổi tên khu thương mại này thành Parkson Paragon. Vậy nhưng, chỉ sau khoảng 5 năm vận hành, trung tâm mua sắm quy mô 19.000m2 đã phải dời đi trước thời hạn đầu tư.
Parkson Paragon đóng cửa dấy lên lo ngại dư thừa nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Tp.HCM. Song các chuyên gia cho rằng, nguồn cung mặt bằng bán lẻ của Tp.HCM vẫn còn hết sức khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực.
Chẳng hạn, nếu Bangkok có khoảng 8 triệu mét vuông, Singapore 4 triệu mét vuông hoặc Kuala Lumpur 3 triệu mét vuông thì nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Tp.HCM mới chỉ đạt khoảng trên 1 triệu mét vuông. Song, việc dư thừa cục bộ là điều không thể phủ nhận. Nhất là, cạnh tranh trên thị trường bán lẻ đang ngày càng khốc liệt, việc có thương hiệu phải rời bỏ cuộc chơi cũng là điều dễ hiểu.
Dữ liệu mới cập nhật hồi đầu tháng 5/2016 của Cushman & Wakefield Việt Nam cho hay, hiện Tp.HCM có tổng cộng 131 trung tâm bán lẻ, 30 tại khu vực trung tâm và 101 ở khu vực ngoài trung tâm với tổng diện tích mặt bằng bán lẻ trên toàn địa bàn TP đạt gần 1,13 triệu mét vuông sàn. Sẽ có thêm 300.000m2 mặt bằng bán lẻ mới gia nhập thị trường trong năm nay, CBRE dự báo.