Ngày 8/9 vừa qua, tại buổi làm việc với Vụ công nghiệp (Ban Kinh tế Trung ương), Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho hay, nhiều dự án bất động sản ở Tp.HCM "đắp chiếu" gây lãng phí đất đai trong khi đa số dân nghèo đô thị không thể mua nhà.
Ngoài thiếu nguồn cung về nhà ở giá rẻ, diện tích nhỏ, việc giá bất động sản tăng cao thời gian qua đang đẩy giấc mơ "an cư lạc nghiệp" của người nghèo đô thị thêm xa vời.
HoREA thông tin, hiện dân số thực của Tp.HCM gần 13 triệu người cùng khoảng 3 triệu người dân nhập cư. Điều đáng nói là, những người nghèo đô thị đang dần mất khả năng mua nhà ở.
Theo lãnh đạo HoREA: “Thời gian qua, nhà ở giá rẻ không đạt được như kỳ vọng và nhu cầu người dân. Ngoài nguồn cung sản phẩm phải có tín dụng đi kèm hỗ trợ người mua nhà thu nhập thấp”.
Ông Châu cho biết, Tp.HCM đã từng có các sản phẩm nhà ở tư nhân đầu tư với giá chỉ từ 7,9-14 triệu đồng/m2, cho thuê 49 năm. Tuy nhiên, chủ dự án không được hỗ trợ phát triển. Hiện nguồn cung loại hình nhà ở này rất hạn chế. Trong khi đó, chủ đầu tư nhà ở xã hội không còn nguồn tín dụng hỗ trợ. Do đó, nhiều doanh nghiệp địa ốc xin trả lại dự án. Hơn nữa, vai trò của ngân hàng chính sách xã hội trong việc tạo dòng tín dụng cũng chưa hiệu quả.
Giấc mơ an cư của người nghèo đô thị ngày càng xa vời.
(Ảnh Q.Đ)
Theo một số chủ đầu tư tại Tp.HCM, nếu chưa tạo đà phát triển được nguồn cung nhà giá rẻ và nhà cho thuê thì người nghèo đô thị vẫn khó mua nhà.
Phó Giám đốc Công ty bất động sản Đất Lành, ông Nguyễn Văn Đực nhận định: “Những người lao động nghèo khó có thể mua nhà bởi quỹ nhà ở xã hội phần lớn dành cho công chức viên chức và gói 30 nghìn tỷ đồng cũng dành cho người thu nhập trung bình. Người nghèo đang bị bỏ rơi. Tôi đã từng đấu tranh đề nghị làm nhà diện tích nhỏ, nhà cho thuê điều này sẽ giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận nhà ở”.
Tại Tp.HCM hiện nay, các dự án trùm mền không chỉ để lại khối nợ lớn từ ngân hàng, nhà nước, đối tác, khách hàng mà còn đang gây lãng phí quỹ đất trong khi người nghèo không có nhà ở. Số liệu thống kê cho thấy, hiện Tp.HCM có khoảng 500 dự án đắp chiếu khiến hàng trăm nghìn ha đất bị lãng phí.
HoREA đánh giá, thị trường địa ốc đang chững lại và có dấu hiệu suy giảm từ năm 2016 đến nay. Thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro do lệch pha cung - cầu từ bất động sản nghỉ dưỡng đến bất động sản nhà ở. Đây là điều đáng báo động. Bên cạnh đó, dòng tiền (tín dụng và huy động trong dân) cũng đang mất cân đối bởi nguồn tiền hút về các doanh nghiệp lớn, dự án lớn.
Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, ông Lê Xuân Thành cho hay, các ý kiến đóng góp của HoREA và cộng đồng doanh nghiệp địa ốc tại Tp.HCM sẽ được tham mưu cho Chính phủ.