Quy
hoạch đô thị, phát triển mạng lưới giao thông vận tải để giải quyết vấn đề ùn tắc
luôn là đề tài nóng hổi khiến các nhà quản lý đau đầu và thu hút sự quan tâm của
đông đảo người dân.
Quy hoạch đô thị, phát triển mạng lưới giao thông vận tải để giải quyết vấn đề ùn tắc luôn là đề tài nóng hổi khiến các nhà quản lý đau đầu và thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.
“Hội thảo quy hoạch đô thị và an toàn giao thông” được Sở Giao thông vận tải Hà Nội và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Hà Nội phối hợp tổ chức vào ngày 28/10/2011 đã bước đầu đưa ra các giải pháp để giảm thiểu tình trạng ùn tắc.
Ùn tắc giao thông đô thị đang là vấn nạn lớn
Tình trạng ùn tắc giao thông đô thị đặc biệt ở hai đô thị lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang là vấn đề cấp bách cần giải quyết.
Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng xe đăng ký mới tăng lên nhanh chóng, trong khi đó hệ thống các tuyến đường giao thông cần nâng cấp và làm mới lại chậm triển khai. Theo thống kê của Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông tính đến cuối năm 2010, toàn quốc đăng ký mới 183.643 ô tô, 2.959.300 mô tô, nâng tổng số phương tiện đã đăng ký năm 2011 lên tới gần 1,8 triệu xe ô tô và khoảng 34 triệu xe mô tô và xe máy.
Vì vậy, việc giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ngày càng trở nên nan giải. Để giải quyết vấn đề này, 2 đô thị lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó có việc xây thêm nhiều tuyến đường mới đồng thời nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường cũ.
Nhưng vấn đề đặt ra là quỹ đất dành cho giao thông sẽ lấy từ đâu và làm thế nào để có thể xây dựng được nhanh chóng các tuyến đường mà không ảnh hưởng dến các di tích văn hóa.
Theo TS.KTS.Đào Ngọc Nghiêm (Phó Chủ tịch Hội Qui hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Qui hoạch - Kiến trúc Hà Nội) thì hiện tại ở Hà Nội chỉ có 5% đất tự nhiên giành cho giao thông và trung bình mỗi người dân Hà Nội sử dụng 0,15m đường giao thông. Trong khi đó diện tích giao thông đạt mức chuẩn cho một người theo các nước trên thế giới phải đạt từ 0,4 – 0,5 m đường/người..
Hội thảo đã đưa ra rất nhiều giải pháp từ vĩ mô đến vi mô, tuy nhiên vấn đề lớn nhất là quỹ đất sử dụng để nâng cấp giao thông, cải thiện tình hình ùn tắc thì chưa được giải quyết.
Cũng theo ông Nghiêm khi được hỏi về vấn đề này ông cho rằng: Việc huy động quỹ đất cho giao thông cần tính toán kỹ lưỡng đến từng chi tiết, không nên để ảnh hưởng quá lớn đến cảnh quan và kiến trúc đô thị. Và nên lập ra hội đồng khoa học nghiên cứu về mọi vấn đề liên quan đến quy hoạch giao thông trước khi đưa ra quyết định trình Quốc hội, không nên quá phụ thuộc vào ý kiến người dân vì như vậy sẽ gây hoang mang.
Tăng cường các phương tiện giao thông công cộng chỉ là giải pháp tình thế.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc cần có sự phát triển đồng bộ từ kinh tế xã hội đến giao thông. Trước mắt, các đô thị đã bắt đầu triển khai tăng số lượng phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế tạm thời.
Bởi nếu tăng số lượng xe bus lên đồng nghĩa với việc cần tăng các tuyến đường dành cho xe bus. Hay một loại phương tiện giao thông khác cũng đang được tiến hành xây dựng là đường sắt đô thị. Nhưng phải đến năm 2015 tuyến đường sắt đầu tiên mới được vận hành. Và đến năm 2030 nếu 8 tuyến đường sắt hoàn thiện thì cũng chỉ giải quyết được 25% tình trạng ùn tắc.
Vì vậy, rất khó để giải quyết vấn đề giao thông đô thị trong một sớm, một chiều mà nó cần được nghiên cứu xây dựng đề án kỹ lưỡng và triển khai một cách chính xác, đồng bộ, chi tiết. Bên cạnh đó cần thường xuyên điều chỉnh cho phù hợp với thực trạng giao thông ở từng đô thị và từng thời điểm.
Lê Hoa