Tỉnh Quảng Ninh đã ra lệnh cấm 2 nhà thầu tham gia các dự án do UBND
tỉnh là chủ đầu tư. Cùng với những cụ "trảm" nhà thầu trước đó trong xây
dựng đã như một lời cảnh báo từ mệnh lệnh siết chặt đầu tư với thói làm
ăn chậm trễ và kém chất lượng của nhà thầu Việt Nam.
Tỉnh Quảng Ninh đã ra lệnh cấm 2 nhà thầu tham gia các dự án do UBND tỉnh là chủ đầu tư. Cùng với những cụ "trảm" nhà thầu trước đó trong xây dựng đã như một lời cảnh báo từ mệnh lệnh siết chặt đầu tư với thói làm ăn chậm trễ và kém chất lượng của nhà thầu Việt Nam.
Ai cũng có khó khăn
Ngày 15/11, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra văn bản thông báo, kể từ nay trở đi, tỉnh chính thức cấm Công ty CP Xây dựng số 9 Thăng Long và Công ty CP Bêtông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai tham gia đấu thầu bất kỳ gói thầu dự án nào thuộc nguồn vốn ngân sách - do UBND tỉnh làm chủ đầu tư.
Lý do, trong quá trình thực hiện gói thầu số 9 thuộc dự án Đường bao biển Lán Bè - Cột Đồng hồ nối với đường bao biển núi Bài Thơ (giai đoạn 1) và mặt bằng Công viên văn hóa Hạ Long, do năng lực yếu kém, hai nhà thầu trên đã không đảm bảo tiến độ, lại còn viện dẫn những lý do để từ chối thực hiện tiếp khối lượng theo hợp đồng đã ký kết. Điều này gây ảnh hưởng xấu đến dự án, vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu.
Tỉnh yêu cầu Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng các công trình trọng điểm làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và đơn vị liên quan trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng theo quy định; căn cứ Hợp đồng Kinh tế đã ký kết và các quy định của Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu để đề xuất mức phạt với 2 nhà thầu đã vi phạm, báo cáo UBND tỉnh trong tháng 11/2011.
Ngày 16/11, phía Vinaconex Xuân Mai đã có công văn đáp lại. Theo đó, công ty này khẳng định đã hoàn thành trách nhiệm được giao và việc vi phạm hợp đồng dự án không phải là lỗi của Vinaconex Xuân Mai.
Văn bản cho rằng, Công ty CP Xây dựng số 9 Thăng Long - đơn vị đứng đầu Liên danh và Vinaconex Xuân Mai đã ký hợp đồng thi công xây dựng dự án nói trên với Ban Quản lý đầu tư Xây dựng công trình trọng điểm tỉnh Quảng Ninh, có tổng giá trị hơn 161 tỷ đồng.
Trong đó, Vinaconex Xuân Mai thực hiện việc sản xuất và cung ứng cọc bê tông cốt thép dự ứng lực đến chân công trình với trị giá hợp đồng là 4,8 tỷ đồng, tương đương 28% tổng giá trị hợp đồng.
"Vinaconex Xuân Mai đã hoàn thành 100% khối lượng công việc, đảm bảo chất lượng và tiến độ theo yêu cầu của chủ đầu tư. Song đơn vị đứng đầu liên danh, vì những lý do nội bộ của họ, đã không thực hiện hoàn thành phần việc đã được chia trong gói thầu theo đúng tiến độ, ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư của tỉnh Quảng Ninh".
Vì thế, "việc vi phạm hợp đồng này không thuộc phạm vi phần việc của Vinaconex Xuân Mai" - văn bản giải trình khẳng định.
Trao đổi với báo chí, ông Đặng Hoàng Huy - Giám đốc Vinaconex Xuân Mai, bày tỏ, việc tỉnh đình chỉ 2 nhà thầu có cái lý của tỉnh nhưng xét cho kỹ thì lỗi của phía Vinaconex Xuân Mai không phải do năng lực yếu kém, hạn chế. Bởi ngay tại tỉnh Quảng Ninh, công ty này cũng đã thi công nhiều công trình lớn và thành công như cầu Bãi Cháy, nhà máy Xi măng Cẩm Phả, Hạ Long, cảng tàu du lịch Tuần Châu...
"Để xảy ra như trên thì các nhà thầu kiểu gì cũng có lỗi. Tuy nhiên, nói một cách khách quan thì lỗi của chúng tôi bé. Chúng tôi bị liên đới khi vị trí trong liên doanh như thầu phụ, chỉ được ký nháy vào hợp đồng. Phần việc của chúng tôi cũng đã hoàn thành, song cứ bị đưa lên như là lỗi chính" - ông Huy phân trần.
Làm nghiêm cũng khó?
Trao đổi với báo chí, giới chuyên môn đánh giá cao thái độ nghiêm khắc, kiên quyết của chủ đầu tư trong việc xử lý các nhà thầu chậm trễ, không hoàn thành hợp đồng.
Phía Vinaconex Xuân Mai có thể không đóng vai trò chủ yếu trong liên danh nhà thầu, nhưng không phải vì thế mà vô can. Đáng ra xét thấy đơn vị chủ trì liên danh không xứng đáng thì hoàn toàn có thể rút lui, giờ đây dù không phải lỗi chính nhưng nhà thầu này cũng phải chịu trách nhiệm.
Lấy trường hợp Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trong chuyến thị sát chứng kiến sự chậm trễ tại dự án Nhà ga Sân bay quốc tế Đà Nẵng, đã quyết định thay Trưởng ban Quản lý dự án - bên phía chủ đầu tư thì ngay sau đó, công trình đã có chuyển động ngay, TS. Phạm Sĩ Liêm từ Tổng Hội Xây dựng VN nhấn mạnh rằng sự chậm trễ, vướng mắc có nguyên do từ đâu, cần được xem xét nhiều chiều, tháo gỡ một cách đủ lý thuận tình.
Theo ông Liêm, tỉnh Quảng Ninh đã kết luận như vậy là họ có căn cứ, song căn cứ đó vẫn chỉ là một phía. Giờ đây trước sự lên tiếng giải trình của một nhà thầu thì tỉnh cũng cần phân tích, cân nhắc kỹ lại mức độ nặng nhẹ giữa hai nhà thầu. Có thể sử dụng hình thức nhẹ hơn như cấm cửa 1 năm hoặc phạt cảnh cáo...
TS Vũ Khoa - Chủ tịch Hiệp Hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, cho biết, việc địa phương cấm cửa nhà thầu không phải mới. Trước đó đã có trường hợp hai công ty đấu thầu dự án thông đồng với nhau làm "quân xanh quân đỏ" trong một dự án. Sự việc bị các nhà thầu khác phanh phui và địa phương đình chỉ sự tham gia của hai nhà thầu này.
Theo ông Khoa, sự tranh chấp trong xây dựng rất phức tạp. Phải xem xét lỗi đó có phải xuất phát hoàn toàn từ nhà thầu hay không vì có nhiều trường hợp chủ đầu tư và nhà thầu ký hợp đồng xong mà công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ cấp vốn, thanh toán tiền từ chủ đầu tư không đảm bảo. Nhất là bối cảnh khó khăn kinh tế, bên nào cũng muốn giữ tiền. Nếu lỗi từ phía chủ đầu tư thì họ còn phải bồi thường cho nhà thầu.
"Việc nói qua nói lại giữa các bên nhiều khi chưa thể hiện được bản chất và những sự việc ẩn sau. Có khi vì không bằng lòng nhau ở một vài điều khoản và chưa dàn xếp được mà họ đưa ra công khai cái lý của mình. Chuyện xảy ra nhiều khi không hoàn toàn như người ta nói" - một đại diện nêu nhận xét.
Trường hợp nhà thầu bị địa phương cấm cửa nói trên chỉ là một điển hình trong số hàng loạt tên tuổi nhà thầu lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả vừa bị lãnh đạo ngành Giao thông Vận tải "xử trảm". Dự báo xu hướng này sẽ còn gia tăng cùng với quá trình tái cơ cấu, siết chặt đầu tư công trên cả nước.
Để không tự làm tổn thất thêm hình ảnh, đã đến lúc các nhà thầu phải nghiêm khắc nhìn nhận lại mình và dũng cảm chịu trách nhiệm hơn là lên tiếng giải trình, chối bỏ trách nhiệm, bồi thường. Nhìn nhận một cách tích cực, tái cấu trúc đầu tư công cũng là cơ hội thanh lọc, để các nhà thầu Việt Nam nói riêng nâng cao năng lực cùng với lối ứng xử chuyên nghiệp, cầu thị.
(Theo VEF)