Thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận. Giới chuyên gia cho rằng, quy định này có thể gây tâm lý bất an cho người mua nhà, phát sinh thêm thủ tục và chi phí.
|
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Ảnh: Báo Thanh Niên |
Bộ Xây dựng đưa ra 2 phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư: Phương án 1 là bổ sung mới quy định về thời hạn sở hữu nhà xác định theo thời hạn sử dụng của công trình. Phương án 2 là giữ nguyên thời hạn sử dụng như quy định hiện nay, tức sẽ không quy định niên hạn.
Đề xuất trên nhận được nhiều luồng ý kiến từ người dân, chuyên gia và các nhà đầu tư, nhà phát triển dự án chung cư. Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản kiến nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng không nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư với tất cả dự án mới. Theo HoREA, nên giữ nguyên quy định hiện hành của Luật Nhà ở năm 2014, ngoại trừ trường hợp cá biệt sở hữu có thời hạn như căn hộ dịch vụ, căn hộ xây để cho thuê...
Chủ tịch HoREA, ông Lê Hoàng Châu chỉ rõ 8 bất cập khi quy định thời hạn sở hữu chung cư.
Thứ nhất, quy định thời hạn sở hữu chung cư sẽ tăng thêm gánh nặng cho cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện vì sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính (kiểm định, gia hạn quyền sở hữu), từ đó sẽ phát sinh thêm chi phí, tăng gánh nặng tài chính cho xã hội.
Thứ hai, việc Bộ Xây dựng đề xuất thời hạn sở hữu chung cư căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật xây dựng có thể đang nhầm lẫn giữa quyền sở hữu nhà chung cư với thời hạn sử dụng (tuổi thọ) nhà chung cư được quy định trong Luật Xây dựng.
Thứ ba, không nên vì vướng mắc trong nhiều năm qua mà "chữa cháy" bằng đề xuất quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn để Nhà nước dễ thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Điều này đi ngược lại với tâm tư, nguyện vọng của người dân muốn được sở hữu căn hộ nhà chung cư gắn liền với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài.
Thứ tư, Khoản 1, Điều 30, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định gia hạn thời hạn sở hữu theo thời hạn nêu trong kết luận kiểm định dẫn đến nghịch lý quyền sở hữu nhà chung cư bị lệ thuộc vào kết luận kiểm định của một đơn vị tư vấn kỹ thuật xây dựng, gồm cả tình huống đất xây dựng khu chung cư được sử dụng ổn định lâu dài. Phương án đề xuất của Bộ Xây dựng chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật.
Thứ năm, quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư dẫn đến có sự phân biệt về quyền sở hữu nhà ở. Theo đó, nhà ở riêng lẻ (nhà phố, biệt thự) gắn liền với đất ở được công nhận sở hữu không xác định thời hạn. Còn nhà chung cư chỉ được công nhận sở hữu có thời hạn.
Thứ sáu, nếu quy định về niên hạn sở hữu có thể dẫn đến nhiều người sẽ bỏ lựa chọn nhà chung cư để chuyển sang mua nhà ở riêng lẻ gắn liền với đất ở, điều này sẽ khiến giá nhà phố, biệt thự bị đẩy lên cao.
Thứ bảy, thời hạn sở hữu nhà chung cư nếu được áp dụng có thể tác động tiêu cực đến mục tiêu ưu tiên phát triển nhà chung cư tại đô thị đặc biệt, loại 1, loại 2 để sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Thứ tám, phương án 1 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa làm rõ chế độ sử dụng đất đối với đất xây dựng khu chung cư là sử dụng ổn định lâu dài hay sử dụng có thời hạn theo thời hạn sở hữu nhà chung cư, dễ dẫn đến nhầm lẫn khái niệm, dễ gây tranh chấp về sau.
Từ những bất cập trên, HoREA đề nghị chọn phương án 2 theo hướng giữ nguyên như hiện hành, không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư với dự án mới, người mua nhà chung cư được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài như Luật Nhà ở 2014 đã áp dụng.
Lam Giang (TH)
Link bài viết gốc
https://thanhnienviet.vn/2022/09/28/8-bat-cap-khi-quy-dinh-thoi-han-so-huu-chung-cu