Không ít người có nhu cầu muốn cho thuê nhà ngỡ ngàng với hàng tá quy định, thủ tục hay giấy tờ pháp lý khiến cho họ phải đau đầu bởi tính rắc rối, phức tạp của nó. Trong bài viết này, Dothi.net sẽ cùng bạn tìm hiểu những thắc mắc mà đa phần mọi người thường gặp phải với thủ tục cho thuê nhà hiện nay.
Hỏi: Nhà tôi đều đã định cư nước ngoài chỉ còn lại một căn hộ tại quận Ba Đình, Hà Nội. Vì một số lý do nên tôi muốn cho thuê lại căn hộ với mức giá khoảng 7 - 10 triệu/tháng. Tôi muốn hỏi khi cho thuê nhà cần những giấy tờ gì và thủ tục có rắc rối không? Xin cảm ơn.
(Bác Quang Bình, 57 tuổi)
Trả lời:
Chào bác, cảm ơn bác về câu hỏi. Không chỉ bác, cũng có rất nhiều người đều thắc mắc vấn đề tương tự về các thủ tục cho thuê nhà tại Việt Nam hiện nay. Để có thể giải đáp thắc mắc của bác một cách chính xác nhất, Dothi.net xin cung cấp cho bác một số thông tin mới nhất về thủ tục cho thuê nhà như sau:
Điều kiện để nhà ở được giao dịch
Để có thể cho thuê nhà ở, thì căn nhà đó cần phải đáp ứng được các quy định được nêu ra tại các mục b, mục c và mục d thuộc Khoản 1 Điều 118 và Khoản 3 Điều 118 thuộc bộ Luật Nhà ở 2014 bao gồm:
b) Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn;
c) Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
d) Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.
Nhà ở còn phải bảo đảm chất lượng, an toàn cho bên thuê nhà ở, có đầy đủ hệ thống điện, cấp, thoát nước, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, trong thủ tục cho thuê nhà ở không cần có Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhưng vẫn cần một số giấy tờ quy định tại Điều 72 Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết và thi hành luật nhà ở 2014.
Khi cho người nước ngoài, tổ chức nước ngoài thuê nhà phải có giấy phép an ninh trật tự và giấy phép an toàn phòng cháy chữa cháy của cơ quan Nhà nước cấp.
Đồng thời, đối với người cho thuê nhà (cũng như người có nhu cầu thuê nhà), thì cũng cần phải đáp ứng được các thủ tục cho thuê nhà sau đây:
Dựa theo Điều 119 của Luật Nhà ở 2014 thì:
1. Bên bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, tặng cho, đổi, để thừa kế, thế chấp, góp vốn, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở phải có điều kiện sau đây:
a) Là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật này và pháp luật về dân sự; trường hợp chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải là người đã mua nhà ở của chủ đầu tư hoặc người đã nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;
b) Nếu là cá nhân thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự; nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân, trừ trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương.
2. Bên mua, thuê, thuê mua nhà ở, bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, nhận đổi, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận thế chấp, mượn, ở nhờ, được ủy quyền quản lý nhà ở là cá nhân thì phải có điều kiện sau đây:
a) Nếu là cá nhân trong nước thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện các giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự và không bắt buộc phải có đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch;
b) Nếu là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam, phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch.
3. Bên mua, thuê, thuê mua nhà ở, bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại, nhận đổi, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận thế chấp, nhận góp vốn, được ủy quyền quản lý nhà ở là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân và không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh, nơi thành lập; trường hợp là tổ chức nước ngoài thì phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này; nếu tổ chức được ủy quyền quản lý nhà ở thì phải có chức năng kinh doanh dịch vụ bất động sản và đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Đồng thời bác Quang Bình và những người đang có nhu cầu làm thủ tục cho thuê nhà ở cũng cần xem xét những thông tin liên quan như sau:
- Bên cho thuê nếu là nhà của 2 vợ chồng chủ sở hữu thì cả phải 2 người cùng ký vào hợp đồng cho thuê nhà ở (hoặc ủy quyền lại cho người khác); cá nhân phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; có đầy đủ giấy tờ cá nhân (Chứng minh nhân dân (thẻ căn cước); hộ khẩu); nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân (giấy đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hoạt động)
- Bên thuê phải là cá nhân trong nước thì có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; nếu là người nước ngoài thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo luật nhà ở 2014.
Những giấy tờ cần thiết khi cho thuê nhà
Để có thể đáp ứng chính xác câu hỏi “Cho thuê nhà cần giấy tờ gì?” của bác Quang Bình, Dothi.net xin đưa ra danh mục những giấy tờ cần thiết khi có nhu cầu cho thuê nhà như sau:
a) Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);
b) Ngành, nghề kinh doanh;
c) Số vốn kinh doanh;
d) Số lao động;
đ) Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.
Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
Như vậy, nếu như bác đáp ứng đầy đủ các điều kiện dựa theo quy định của pháp luật và hoàn thành giấy tờ cần thiết, bác hoàn toàn có thể cho thuê căn hộ tại quận Ba Đình mà không phải lo lắng về pháp lý.
Ngoài bác Quang Bình, cũng có rất nhiều người muốn tìm hiểu thêm về các thủ tục cho thuê nhà ở, thủ tục cho thuê nhà trọ hay thủ tục cho thuê nhà làm văn phòng, nhà xưởng. Mặc dù khá tương đồng nhau nhưng mỗi thủ tục cho thuê nhà khác nhau vẫn có những sự khác biệt nhất định:
- Đối với thủ tục cho thuê nhà ở: như đã nêu ở trên.
- Thủ tục cho thuê nhà trọ: tương tự như trường hợp cho thuê nhà để ở của bác Quang Bình, người có nhu cầu làm thủ tục cho thuê nhà trọ ngoài việc thực hiện các quy trình, thủ tục cần thiết cần phải đăng ký kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh cá thể có ngành nghề kinh doanh là cho thuê phòng trọ.
- Thủ tục cho thuê nhà xưởng: Dựa trên thông tư 24/2014/TT - BTNMT quy định về hồ sơ địa chính, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật ầu tư 2014 và Nghị định 76/2015/NĐ-CP hướng dẫn luật kinh doanh bất động sản.
- Thủ tục cho thuê nhà làm văn phòng: ngoài các thông tin đã nêu, doanh nghiệp và người cho thuê cần xem thêm thông tư 219/2013/TT-BTC, Nghị định 12/2014 và hướng dẫn tại Công văn 2697/CT-TTHT ngày 27/03/2015 của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Qua bài viết này, Dothi.net hy vọng bác Bình và mọi người sẽ không gặp phải những rắc rối trong quá trình làm thủ tục cho thuê nhà.