Hỏi: Vợ chồng tôi cùng hai con ở chung với bố mẹ tôi, có chung hộ khẩu và cùng đứng tên ký hợp đồng thuê nhà của Nhà nước.
Hợp đồng được ký từ năm 1983 (hợp đồng xanh trên 60 tháng). Mẹ tôi mất năm 2002, năm 2007 bố tôi cũng mất. Sau đó, gia đình tôi (vợ và hai con trai tôi) đã ký hợp đồng mua nhà của Nhà nước theo Nghị định 61/CP và giờ đã có sổ hồng do tôi đứng tên.
Vậy tôi xin hỏi, căn nhà này có phải là di sản thừa kế của bố mẹ tôi không? Nếu tôi bán căn nhà này thì có phải chia tài sản cho các anh chị tôi không? (Tôi là con út trong gai đình 6 anh chị em).
Tôi xin cảm ơn!
Phan Ngọc Hùng (P.27, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM)
Căn nhà không phải là tài sản riêng hay thuộc đồng sở hữu chủ của cha mẹ
thì căn nhà đó không phải di sản thừa kế của cha mẹ để lại (ảnh minh họa)
Trả lời:
Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác (theo Điều 637 Bộ luật dân sự).
Theo như bạn trình bày, dù cha mẹ bạn thuộc đối tượng được mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Nghị định 61 ngày 5/7/1994 của Chính phủ (về mua bán, kinh doanh nhà ở) do có tên trong hợp đồng thuê nhà và hội đủ các điều kiện khác theo quy định, nhưng cả hai đều đã mất nên vợ chồng và hai con của bạn (những người còn lại trong tên hợp đồng cho thuê nhà) đã làm thủ tục mua nhà và hiện bạn đang đứng tên trên giấy chứng nhận.
Như vậy khi căn nhà không phải là tài sản riêng hay thuộc đồng sở hữu chủ của cha mẹ thì căn nhà đó không phải là di sản thừa kế
của cha mẹ bạn để lại.
Do đó, nếu căn nhà là tài sản hợp pháp của vợ chồng bạn thì vợ chồng bạn có toàn quyền định đoạt và khi bán nhà không có nghĩa vụ chia tiền cho các anh chị của bạn.
Luật sư Trần Thị Miền,
Đoàn luật sư Tp.HCM