Hỏi: Mảnh đất diện tích 70m2 của gia đình tôi đã có sổ đỏ, nay đang xảy ra tranh chấp đất đai với người thuê nhà.
Cụ thể, do không có nhu ở nên tôi đã cho một gia đình gần đó thuê, lợp mái tôn làm bãi đậu xe ô tô. Tuy nhiên, gần đây tôi phát hiện người thuê đã lấn chiếm đất, xây dựng nhà kiên cố trên đó và còn được cấp sổ đỏ. Vậy xin hỏi luật sư, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình trong trường hợp này, tôi cần phải làm gì?
Chân thành cảm ơn!
(mocxuan2017@...)
|
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được quy định tại Điều 203, Luật Đất đai năm 2013. (Ảnh minh họa) |
Trả lời:
Căn cứ theo thông tin mà bạn cung cấp thì mảnh đất 70m2 của gia đình bạn đang có tranh chấp với người thuê nhà. Theo quy định của pháp luật hiện hành, tranh chấp đất đai được giải quyết thông qua hòa giải. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, trong trường hợp hòa giải tranh chấp đất đai không thành sẽ được giải quyết tại Tòa án đối với đất đã có sổ đỏ.
"Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai
1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở
2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải."
Mặt khác, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được quy định tại Điều 203, Luật Đất đai năm 2013 như sau:
"Điều 203. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;".
Như vậy, nếu hòa giải tranh chấp đất đai không thành, bạn hãy nộp đơn kiện ra Tòa án. Lưu ý là, bạn cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, hồ sơ chứng minh mảnh đất này thuộc quyền sử dụng hợp pháp của gia đình bạn.
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo
(Giám đốc Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội)