Tôi sở hữu một căn hộ chung cư, nay muốn cho người nước ngoài thuê. Vậy xin luật sư cho biết, tôi cần điều kiện gì để cho thuê căn hộ này.
Chân thành cảm ơn!
Dương Văn Hoàn
Điều kiện khác biệt khi cho người nước ngoài thuê nhà?
(Ảnh minh họa, nguồn: Internet)
Trả lời:
Điều 119 Luật Nhà ở 2014 quy định về điều kiện của các bên tham gia giao dịch nhà ở, việc cho người nước ngoài thuê nhà cần các điều kiện sau đây:
Bên cho thuê nhà ở phải là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định pháp luật về dân sự và của quy định của Luật này. Trường hợp bên cho thuê là cá nhân thì cá nhân đó phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự. Còn nếu bên cho thuê là tổ chức thì tổ chức đó phải có tư cách pháp nhân. Ngoại trừ trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình thương, nhà tình nghĩa.
Trong khi đó, nếu bên thuê nhà ở là cá nhân nước ngoài thì cá nhân này phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, cá nhân phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật này và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở được giao dịch.
Điều 159 Luật Nhà ở 2014 quy định, cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm: Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam và cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này cũng như pháp luật có liên quan.
Tóm lại, bên thuê và bên cho thuê cần đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên khi cho người nước ngoài thuê nhà.
Điều 119 Luật Nhà ở 2014 có quy định, trường hợp bên thuê nhà là người nước ngoài thì cần có thêm điều kiện là người đó phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam quy định tại Điều 159 Luật Nhà ở 2014.
Tương tự hợp đồng cho người trong nước thuê nhà, hợp đồng cho người nước ngoài thuê nhà cũng có thể xảy ra những rủi ro ngoài ý muốn.
Khi cho người nước ngoài thuê nhà, bên cho thuê và bên thuê sẽ thỏa thuận lập hợp đồng thuê nhà. Theo quy định hiện hành, hợp đồng đó phải được lập thành văn bản, được chứng thực, công chứng tại cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, căn cứ theo những quy định nêu trên, bạn nên lưu ý thực hiện đúng thủ tục và thỏa thuận cụ thể các nội dung như giá thuê, phương thức thanh toán, thời gian thuê, quyền và nghĩa vụ của các bên… trong hợp đồng. Nhất là, bạn cần quy định khoản tiền đặt cọc (bằng 3 tháng tiền thuê nhà) để bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình
(Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội)