Việt kiều mua nhà đất tại Việt Nam có được không? Đây là một trong những vấn đề được kiều bào quan tâm, nhất là thời điểm cuối năm, gần Tết Nguyên đán. Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, người việt Nam định cư ở nước ngoài cần nắm rõ một số quy định hiện hành liên quan đến việc sở hữu bất động sản tại Việt Nam.
Bài viết dưới đây sẽ làm rõ nhưng quy định liên quan tới việc Việt kiều mua nhà đất tại Việt Nam.
1. Như thế nào được gọi là Việt kiều?
Việt kiều là cách gọi phổ biến của người Việt Nam dùng để chỉ những người Việt sinh sống lâu năm ở nước ngoài. Pháp luật Việt Nam hiện hành có khái niệm Việt kiều nhưng có quy định về người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Điều 3, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 quy định về người Việt Nam định cư ở nước ngoài như sau: "Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.".
Theo Khoản 4, Điều 3, Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008: "Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài là người Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch của họ được xác định theo nguyên tắc huyết thống và con, cháu của họ đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.".
Căn cứ theo quy định trên, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hay còn gọi là Việt kiều gồm hai nhóm sau:
- Việt kiều là công dân Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài;
- Việt kiều là người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
|
Việt kiều có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam nếu đủ điều kiện theo quy định hiện hành. Ảnh minh họa. |
2. Việt kiều mua nhà ở tại Việt Nam cần đáp ứng điều kiện gì?
Việt kiều có được mua nhà ở Việt Nam không? Câu trả lời được nêu rõ tại Điều 7, Luật Nhà ở năm 2014 và Khoản 2, Điều 5, Nghị định 99/2015/NĐ-CP. Cụ thể, Việt kiều là một trong những đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam, Việt kiều phải có nhà ở hợp pháp tại Việt Nam thông qua các hình thức sau:
-
Mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản);
-
Mua, nhận đổi, nhận tặng cho nhà ở, nhận thừa kế nhà ở của cá nhân, hộ gia đình;
-
Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán đất nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định.
Về điều kiện cần đáp ứng để Việt kiều mua nhà ở việt nam, Khoản 1, Điều 8, Luật Nhà ở năm 2014 và Khoản 2, Điều 5, Nghị định 99/2015/ND-CP quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi mua bất động sản tại Việt Nam cần có các loại giấy tờ sau đây:
-
Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì hộ chiếu đó phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu.
-
Trường hợp mang hộ chiếu nước ngoài thì hộ chiếu đó phải còn giá trị, có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu và kèm theo giấy tờ chứng minh còn quốc tịch Việt Nam hoặc giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam do Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan quản lý về người Việt Nam ở nước ngoài cấp hoặc giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
-
Có đủ năng lực hành vi dân sự thực hiện giao dịch nhà ở.
Đối với cá nhân nước ngoài có giấy tờ xác nhận là gốc Việt Nam thì chỉ được quyền lựa chọn một đối tượng áp dụng là cá nhân nước ngoài hoặc là người Việt Nam định cư ở nước ngoài để xác định quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
3. Việt Kiều được phép sở hữu nhà ở tại Việt Nam trong bao lâu?
Khoản 3, Điều 7, Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định: "Cá nhân nước ngoài quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 159 của Luật Nhà ở được sở hữu nhà ở tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận; khi hết thời hạn sở hữu nhà ở ghi trong Giấy chứng nhận, nếu chủ sở hữu có nhu cầu gia hạn thêm thì được Nhà nước xem xét, gia hạn thêm theo quy định tại Điều 77 của Nghị định này".
Theo đó, việc giới hạn thời hạn sở hữu nhà chỉ áp dụng với cá nhân nước ngoài, còn Việt kiều thì được sở hữu nhà như công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam.
4. Việt kiều được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở không?
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 6, Nghị định 99/2015/NĐ-CP, Việt kiều được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở nếu đáp ứng đủ các điều kiện như sau:
-
Có giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở theo quy định.
-
Có giấy tờ chứng minh tạo lập nhà ở hợp pháp theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và pháp luật có liên quan.
Đối với trường hợp Việt kiều không được nhập cảnh vào Việt Nam mà được tặng cho, được thừa kế nhà ở tại Việt Nam thì không được công nhận quyền sở hữu nhà ở. Tuy nhiên, họ vẫn có quyền bán hoặc tặng cho hoặc thống nhất phân chia theo quy định về các trường hợp không được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
5. Việt kiều có được mua đất không?
Khoản 1, Điều 169, Luật Đất đai năm 2013 quy định Việt kiều được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong các trường hợp sau:
-
Việt kiều được mua đất trong cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.
-
Việt kiều thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam được mua đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở.
Theo quy định trên thì Việt kiều được mua đất tại Việt Nam, tuy nhiên bị giới hạn theo khu vực và chỉ được nhận chuyển nhượng một số loại đất nhất định.
Tóm lại, Việt kiều không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (không được mua riêng đất), ngoại trừ trường hợp thửa đất đó nằm trong các dự án phát triển nhà ở.
|
Việt kiều mua nhà tại Việt Nam được cấp sổ hồng, sổ đỏ nếu đủ điều kiện. Ảnh minh họa |
>>> Xem thêm:
6. Việt kiều có được đứng tên sổ đỏ?
Sổ đỏ là cách gọi phổ biến của người dân khi nói về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đây là chứng thư pháp lý quan trọng để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất.
Tùy từng thời kỳ mà sổ đỏ có tên gọi pháp lý khác nhau. Kể từ ngày 10/12/2009 đến nay, người sử dụng đất nếu đáp ứng đủ điều kiện sẽ được cấp Giấy chứng nhận theo mẫu chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường với tên gọi là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận - gọi tắt).
Theo Khoản 2, Điều 186, Luật Đất đai năm 2013, Việt kiều thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam sẽ được cấp sổ đỏ. Cách ghi thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở là Việt kiều tại trang 1 của sổ đỏ được quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 5, Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT như sau:
"Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở theo quy định thì ghi "Ông" (hoặc "Bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ nhân thân ghi "Hộ chiếu số:..., nơi cấp:..., năm cấp:..."; địa chỉ đăng ký thường trú của người đó ở Việt Nam (nếu có)".
7. Trình tự thủ tục Việt kiều mua nhà tại Việt Nam
Để mua nhà đất tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ thực hiện theo trình tự các bước sau đây:
- Bước 1: Chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tức hộ chiếu còn giá trị. Nếu không chứng minh được điều này thì Việt kiều sẽ mua nhà tại Việt Nam với tư cách là người nước ngoài, theo đó sẽ gặp một số hạn chế nhất định về thời gian cũng như số lượng nhà ở được sở hữu.
Hồ sơ chứng minh khách mua nhà là người Việt Nam định cư ở nước ngoài gồm các loại giấy tờ sau:
- Tờ khai xác nhận là người gốc Việt Nam theo mẫu quy định (mẫu TP/QT-2013-TKXNLNGVN) kèm 02 ảnh 4x6.
- Bản sao Hộ chiếu, Giấy Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế.
- Bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người đã từng có quốc tịch Việt Nam mà khi sinh ra quốc tịch Việt Nam được xác định theo nguyên tắc huyết thống hoặc có cha hoặc mẹ, ông nội hoặc bà nội, ông ngoại hoặc bà ngoại đã từng có quốc tịch Việt Nam theo huyết thống.
- Giấy tờ khác có liên quan làm căn cứ để tham khảo:
+ Bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực các giấy tờ về nhân thân, quốc tịch, hộ tích do các chế độ cũ cấp trước ngày 30/04/1975.
+ Bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp trong đó ghi quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch gốc Việt Nam.
+ Bản chính Giấy bảo lãnh của Hội đoàn người Việt Nam ở nước mà người yêu cầu đang cư trú, trong đó xác nhận người đó có gốc Việt Nam.
+ Bản chính Giấy bảo lãnh của người có quốc tịch Việt Nam, trong đó xác nhận người yêu cầu có gốc Việt Nam.
- Xác nhận nơi cư trú do cơ quan công an phường, xã, thị trấn có thẩm quyền cấp. Nếu có Thẻ thường trú, Hộ khẩu thì cung cấp bản chụp có chứng thực sao y bản chính hoặc bản chụp kèm bản chính để đối chiếu.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ đầy đủ các loại giấy tờ nêu trên, Việt kiều mua nhà tại Việt Nam nộp hồ sơ trực tiếp đến Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
- Bước 2: Xác định loại bất động sản mà Việt kiều muốn mua theo quy định của pháp luật Việt Nam thuộc diện Việt kiều được quyền sở hữu.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, Việt kiều được sở hữu các loại bất động sản như: Nhà ở thương mại, nhà ở riêng lẻ (nhà phố) và được quyền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.
|
Việt kiều mua nhà đất tại các dự án phát triển nhà ở tại Việt Nam. |
- Bước 3: Kiểm tra giấy tờ pháp lý của bất động sản
- Nhà ở riêng lẻ (nhà phố):
Kiểm tra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất.
- Nhà ở hình thành trong tương lai:
+ Kiểm tra biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng;
+ Văn bản cho phép bán, cho thuê mua của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai;
+ Hợp đồng bảo lãnh.
- Nhà ở thương mại (nhà ở trong dự án):
+ Sổ đỏ của cả khu đất thực hiện dự án.
+ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, ngành nghề kinh doanh bất động sản.
+ Giấy phép đầu tư, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư.
+ Hồ sơ chứng từ chứng minh hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư.
+ Giấy phép xây dựng; các giấy phép khác liên quan đến việc xây dựng.
+ Hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền.
-
Bước 4: Ký hợp đồng đặt cọc (nếu có).
-
Bước 5: Ký và công chứng hợp đồng mua bán nhà đất.
-
Bước 6: Làm thủ tục sang tên và nộp các loại thuế, phí theo quy định.
8. Việt kiều có được kinh doanh bất động sản tại Việt Nam?
Theo Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Việt kiều được phép kinh doanh địa ốc tại Việt Nam dưới các hình thức sau:
- Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại;
- Nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của chủ đầu tư để xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua;
- Đối với đất được Nhà nước giao thì được đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua;
- Đối với đất thuê của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức thì được đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để cho thuê theo đúng mục đích sử dụng đất;
- Đối với đất được Nhà nước cho thuê thì được đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê; đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng không phải là nhà ở để cho thuê mua, cho thuê, bán;
- Đối với đất thuê, đất nhận chuyển nhượng trong khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất, cụm công nghiệp, khu công nghiệp thì được đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để kinh doanh theo đúng mục đích sử dụng đất.
Trên đây là những quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc Việt kiều mua nhà đất tại Việt Nam. Bài viết cũng nêu rõ trình tự, thủ tục mua nhà đất tại Việt Nam của người Việt định cư ở nước ngoài.
Lam Giang (TH)
>> Người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam và 9 lưu ý "nằm lòng"
>> Quy định về điều kiện để người nước ngoài mua, bán nhà tại Việt Nam