Lần đầu tiên trong 5 năm trở lại đây, London đã vượt Hong Kong trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới.
Do nhà đầu tư đặt cược vào khả năng Ngân hàng trung ương Anh sẽ là cơ quan đầu tiên trên thế giới nâng lãi suất nên cuối tháng 6 vừa qua, bảng Anh chạm đỉnh 6 năm so với USD. Khi đồng bảng mạnh lên, chi phí sinh hoạt cũng như giá bất động sản ngày một tăng cao. Điều này đã khiến các công ty đa quốc gia không khỏi e ngại khi quyết định mở văn phòng tại nước này.
Tại Hong Kong, đồng bản tệ yếu, giá nhà thuê lại giảm đã dẫn đến sự tụt hạng của nước này trong năm nay. Trong 6 tháng đầu năm nay, giá bất động sản tại London tăng 10.6%, nâng mức trung bình của một căn hộ ở đây tới 500.000 bảng. Mức giá này càng ngoài tầm với của lao động trong thành phố.
|
Trong 6 tháng đầu năm nay, giá bất động sản tại London tăng 10.6%. |
Theo tính toán của Savill, tổng tiền thuê nhà, sinh hoạt và làm việc ở 12 thành phố lớn trên thế giới (có điều chỉnh cả tỷ giá và thuế) thì một nhân viên nước ngoài tại London có mức chi phí lên tới gần 121.000 USD/năm. Tuy vậy, con số này vẫn thua về kỷ lục chi phí 128.000 USD năm 2011 của Hong Kong.
Trong đó, top dẫn đầu với tổng chi phí nhà ở và văn phòng lên tới hơn 100.000 USD/nhân viên cũng có sự góp mặt của New York và Paris. Còn các đại diện châu Á được khảo sát là Tokyo (xếp thứ 5), Singapore (6), Thượng Hải (10) và Mumbai (12).
Giám đốc nghiên cứu tại Savills, ông Yolande Barnes cho rằng, ông không nghĩ các thành phố muốn mình mang danh đắt đỏ nhất thế giới. Nhưng nếu đó không phải là nơi mà nhiều người muốn đặt chân đến nhất thì sẽ không bao giờ là nơi đắt nhất được. Vấn đề có thể nhìn theo hai khía cạnh. Đối với nhà đầu tư, đây là điều đáng mừng vì họ sẽ thu được nhiều lợi nhuận. Nhưng với đối tượng người mua hoặc thuê nhà thì London lại là thị trường kém sức hút hơn so với các thành phố khác.