Theo báo cáo mới đây của hãng tư vấn bất động sản quốc tế Knight Frank, bất chấp nền kinh tế toàn cầu diễn biến tích cực, sự cẩn trọng của các nhà chính sách trong việc điều hành kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm pháp đã khiến giá nhà đất toàn cầu tăng trưởng chậm nhất trong 3 năm qua, kể từ năm 2015.
Tăng trưởng giá bất động sản của hơn 12 thành phố trên toàn cầu cách đây 1 năm vượt qua con số 20%. Thế nhưng, bước sang năm 2018, chỉ có thành phố Surat của Ấn Độ đạt tỷ lệ này. Đà tăng trưởng trong quý I/2017 khá thấp do ảnh hưởng bởi động thái hủy bỏ giá trị một số tờ tiền mệnh giá lớn nhất của Ấn Độ. Thế nên, thị trường bất động sản Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ trong quý II năm ngoái.
Giá nhà tại châu Âu vẫn không ngừng "leo thang". Theo đó, 11 trong số 20 thành phố có tăng trưởng giá nhà lớn nhất 3 tháng đầu năm 2018 đều thuộc châu Âu. Cụ thể, tại Rotterdam (Hà Lan), giá nhà tăng 14,8%; Sofia (Bulgaria) 11,3%; Edinburgh (Scotland) tăng 12%; Porto (Bồ Đào Nha) 11,7%. Cùng với đó là những gương mặt kỳ cựu luôn góp mặt trong Top 20 như Berlin (Đức) 14,9; Budapest (Hungary) 14,4% và Reykjavik (Iceland) 11,8%.
|
Giá nhà đất toàn cầu tăng trưởng chậm nhất trong vòng 3 năm qua. |
Global Residential Cities Index (chỉ số bất động sản đô thị toàn cầu) cho thấy, khu vực Vancouver (Canada) tiếp tục chứng tỏ sự tăng trưởng vượt trội so với các khu vực khác, đạt mức 15,4% trong quý I/2018. Con số này làm nổi bật sự chênh lệch về tăng trưởng giá cả bất động sản tại các thành phố bởi tại mức tăng trưởng tại khu vực chỉ nhích nhẹ 0,2%.
Trong khi đó, tại Mỹ, Seattle duy trì vị trí dẫn đầu 15 thành phố có mặt trong Global Residential Cities Index với tăng trưởng giá nhà ở mức 12,9%. Theo sau là San Francisco, trung tâm công nghệ của nước Mỹ. Thị trường bất động sản khu vực này đón nhận 10,4 tỷ USD vốn đầu tư trong năm ngoái.
Theo Kate Everett-Allen, chuyên gia của Knight Frank: "Bất chấp các lần nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FeD), giá nhà trung bình tại 15 thành phố trong Chỉ số bất động sản đô thị toàn cầu vẫn tăng khoảng 6,8% trong 12 tháng qua. Con số này ấn tượng hơn so với mức chỉ 4,9% tại 8 thành phố của nước Anh cũng góp mặt trong chỉ số. Trong đó, Edinburgh vượt trội hơn hẳn và Aberdeen có màn biểu diễn kém nhất”.
Đơn vị nghiên cứu đánh giá, sự chênh lệch giữa các thành phố là rất lớn không chỉ ở mức độ quốc gia mà còn tại khu vực. Có tới 10 quốc gia ghi nhận chênh lệch tăng trưởng giá lớn nhất giữa các thành phố có giá nhà tăng mạnh nhất và ít nhất đều thuộc danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đáng chú ý là, 20 quốc gia này đều nằm trong nhóm G20. Ấn Độ là nước có khoảng cách lớn nhất, lên đến 27%. Giá nhà tại Surat tăng 22% trong quý I/2018 trong khi Delhi là -5%.