Nhiều chuyên gia bất động sản Singapore cho biết, chính sách điều tiết thị trường của chính phủ nước này đang khiến bất động sản cao cấp giảm sút cả về giá lẫn số lượng giao dịch.
Bắt đầu từ hồi tháng 3, thị trường đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu của sự đi xuống. Theo số liệu từ phía cơ quan tái phát triển Singapore (Urban Redevelopement Authority) thì số lượng nhà bán ra đã giảm tới 48% so với cùng kì năm 2014 và giá nhà cũng đã giảm 4%.
Bất động sản Singapore vẫn bị kìm kẹp bởi chính sách điều tiết thị trường
của chính phủ.
Giám đốc kiêm Trưởng bộ phận nghiên cứu Cushman and Wakefield Singapore Christine Li đã nhận định: Một khi chính sách điều tiết thị trường còn tồn tại thì sự tụt giảm vẫn còn tiếp tục diễn ra trên thị trường bất động sản Singapore. Và sự tăng trưởng của phân khúc bất động sản cao cấp sẽ giảm khoảng từ 5-8% trong thời gian tới.
Thị trường bất động sản tại Singapore phát triển khá nóng ở năm 2009. Để điều tiết thị trường, Chính phủ nước này đã ban hành nhiều biện pháp như đánh thuế cao đối với khách mua là người nước ngoài, phí chuyển nhượng nhà đất bị tăng cao… Kết quả sau 6 năm áp dụng, tính đến năm 2014, lượng giao dịch đã sụt giảm đáng kể. Song, nhiều chủ đầu tư ở Singapore tỏ ra khá bức xúc và cho rằng, chính sách điều tiết của chính phủ đã đi quá giới hạn và thị trường bất động sản có thể bị phá hỏng bởi điều đó, nhất là phân khúc cao cấp.
Và bộ luật Additional Buyers Stamp Duty (ABSD) đã bị Hiệp hội các chủ đầu tư bất động sản Singapore (Real Estate Developers’ Association of Singapore) phản đối vào hồi tháng 3 vừa qua, đồng thời kêu gọi chính phủ nới lỏng các chính sách điều tiết thị trường để ngăn sự tuột dốc về giá của bất động sản cao cấp. Bộ luật ABSD được ban hành vào năm 2011, trong đó, có nội dung áp 10% thuế lên đối tượng mua là người nước ngoài, năm 2013, mức thuế này đã tăng lên 15% khiến lượng giao dịch bất động sản bị giảm sút đáng kể.
Chủ tịch của hiệp hội này cho biết, tại Singapore, không nhiều người dám đầu tư vào phân khúc bất động sản cao cấp. Chính sách ABSD được áp dụng đã đi ngược lại với chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài của chính phủ nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển và tạo việc làm cho người dân.
Tuy vậy, bà Christine Li vẫn có cái nhìn lạc quan vào triển vọng của thị trường, bà nói: Lúc này không thể dùng từ sụp đổ cho phân khúc bất động sản cao cấp Singapore được. Giá bất động sản ở các khu vực quận 1, 4, 9, 10 và 11 mới chỉ giảm 6,6% so với giai đoạn tăng trưởng cao nhất là vào quý I/2013.
Trong khi đó, People’s Action Party (PAP), Đảng cầm quyền Singapore đang đưa ra yêu cầu cần có một chính sách phù hợp để đảm bảo sự phát triển an toàn cho thị trường, đồng thời, cũng tạo điều kiện đối với các nhà đầu tư. Về phía chủ đầu tư bất động sản ở Singapore, họ cũng đang trong tâm thế chờ đợi một cơ chế quản lí “dễ thở” hơn từ phía chính phủ.