Chất lượng sống, môi trường sống tại các khu chung cư thật thảm hại ngoài sức tưởng tượng, thậm chí còn tồi tệ hơn cả những khu tập thể cũ. Đó là tình trạng đường sá ùn tắc, bụi bặm, thiếu mọi thứ. Không trường, không chợ, siêu thị, không bệnh viện…
Chất lượng sống, môi trường sống tại các khu chung cư thật thảm hại ngoài sức tưởng tượng, thậm chí còn tồi tệ hơn cả những khu tập thể cũ. Đó là tình trạng đường sá ùn tắc, bụi bặm, thiếu mọi thứ. Không trường, không chợ, siêu thị, không bệnh viện…
Điều không thể tưởng tượng nổi là, tất cả các khu chung cư đều được xây dựng tại các khu đô thị mới ở Hà Nội và TP.HCM, chứ không riêng những khu tái định cư hoặc xây nhà ở để đền bù, giải tỏa giải phóng mặt bằng. Tiền của đổ ra không ít, lại được xây dựng chỉ trong khoảng chục năm nay vậy mà tình trạng chung cư… chung khổ vẫn tiếp tục mọc lên như “nấm”.
Điều khổ sở nhất mà cư dân các khu chung cư, khu đô thị mới phải chịu đựng hàng chục năm nay, là giao thông tắc nghẽn, đường sá bụi mù vào mùa nóng, lầy lội vào mùa mưa. ở Hà Nội có thể kể ra các khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, Định Công, Linh Đàm… ở TP.HCM là các khu đô thị Thạnh Mỹ Lợi, Cát Lái… Những tưởng khi các khu đô thị đi vào hoạt động, hệ thống đường sá sẽ phải hoàn chỉnh, nhưng cả chục năm rồi đường đi lối lại vẫn ngổn ngang, bề bộn. Vào giờ cao điểm, đường vào các khu đô thị mới ứ tắc hàng tiếng đồng hồ.
Đó là chưa kể người dân chung cư thường xuyên phải chung sống trong bầu không khí “công trường” xây dựng ồn ào, bụi bặm suốt ngày đêm. Người dân sống trong các khu chung cư đô thị mới đã chua chát định nghĩa họ là cư dân “bốn không”: không đường, không trường, không chợ, không bệnh viện. Cực nhất có lẽ là những gia đình có con cháu đến tuổi cắp sách đi học mà không có trường để học. Nguyên nhân là các chủ đầu tư đều “ngán” đổ tiền xây dựng trường học. Nếu buộc phải làm thì chỉ xây trường dân lập, học phí cao ngất.
Cái gọi là khu đô thị mới “kiểu mẫu” Linh Đàm (Hà Nội) hiện nay đã có tới hơn 10.000 người dân sinh sống, nhưng đã mười năm nay ở đây tuyệt nhiên chưa thấy có một trường công lập nào từ mầm non đến bậc phổ thông. Thế nên, cực chẳng đã hơn 70% số dân sống ở đây dù đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất ở, nhưng không muốn “cắt” hộ khẩu về chung cư vì không muốn con cái mất chỗ học cũ rồi lại phải “chui” vào các trường dân lập gần nhà với giá tiền học từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/tháng.
Tương tự khu đô thị mới Pháp Vân, Định Công… hàng chục tòa nhà đã có người ở nhưng tất cả các khu đất dành để xây dựng trường vẫn xanh um cỏ dại. Nếu không có đủ tiền gửi trẻ vào các trường mầm non tư thục giá cao, cha mẹ đành phải chở con đến các trường công lập cách xa nhà, đoạn trường không kém gian nan vì tắc đường, bụi bặm. Hơn 1.200 căn hộ trong khu chung cư Thạnh Mỹ Lợi (TP.HCM) đã đưa vào sử dụng 2 năm nay nhưng vẫn giống như một công trường hơn một khu dân cư hoàn thiện.
Cơ sở hạ tầng hầu như số không, mới chỉ có một trường mẫu giáo, trường trung học đang xây dở. Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính với hàng nghìn hộ dân sinh sống, chủ đầu tư cũng chỉ xây dựng một trường mẫu giáo và trường phổ thông, song nhiều người dân không thể chịu nổi mức học phí. Hàng loạt các khu đô thị trông bề ngoài thật “hoành tráng” như Pháp Vân, Đền Lừ, Nam Trung Yên… đang sống trong tình cảnh “ba không”: không bệnh viện, không siêu thị, không vườn hoa.
Xây dựng chung cư tại các khu đô thị mới để làm gì? Giãn dân khỏi trung tâm đông đúc, cải thiện điều kiện sống, nâng cao chất lượng sống của người dân là mục đích được đặt ra ngay từ đầu. Thực trạng hàng vạn dân sống trong chung cư phải chịu chung nỗi khổ đang trở thành vấn đề bức xúc. Chẳng lẽ ở khu đô thị mới khổ hơn đô thị cũ?
(Theo ANTĐ)