Riêng địa bàn Khu quản lý giao thông đô thị số 1 có
hàng trăm cây bị xâm hại, nhưng việc xử lý rất khó do không bắt được quả
tang. Để bảo vệ cây, TP HCM sẽ thành lập Hội đồng Mảng xanh đô thị.
Riêng địa bàn Khu quản lý giao thông đô thị số 1 có hàng trăm cây bị xâm hại, nhưng việc xử lý rất khó do không bắt được quả tang. Để bảo vệ cây, TP HCM sẽ thành lập Hội đồng Mảng xanh đô thị.
Trong đêm 31/7, khi nhân viên Công ty TNHH một thành viên Cây xanh (công ty Cây xanh) xử lý hàng loạt cây đổ do trận mưa dông trước đó thì một cây long não trước show room của Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 8, quận Phú Nhuận) biến mất, một cây được dời sang vị trí khác. Vỉa hè tại vị trí cây bị mất được "ngụy trang" như chưa có gì xảy ra.
Vụ "xóa sổ" cây xanh trên chỉ là một trong 31 trường hợp xâm hại cây trên tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi trong một năm qua khiến 16 cây đã chết. Trong đó nhiều trường hợp chủ các cao ốc, công trình xây dựng tự ý chặt cây để mở rộng lối đi hoặc tạo mặt tiền sáng sủa hơn.
Theo Khu quản lý giao thông đô thị số 1, nạn xâm hại cây xanh còn xảy ra ở một số tuyến đường khác. Nhiều trường hợp đã bị cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt và yêu cầu khôi phục hiện trạng, song đến nay nhiều nơi vẫn chưa được khôi phục.
Trước đó, hàng bằng lăng trước cao ốc 201-203 trên đường Cách mạng tháng tám phường 4, quận 3 bị đốn hạ cũng khiến người dân bức xúc. Hàng cây này đã gần 10 năm tuổi, tán rộng, nở hoa rất đẹp và không hề có dấu hiệu sâu bệnh. Dù sau đó đơn vị này đã trồng lại một hàng cây khác song phải mất nhiều năm mới có lại được hình hài như trước.
Một cán bộ công ty cây xanh TP HCM cho biết, công ty được giao quản lý hơn 89.000 cây, trong đó nhiều cây quý hiếm, di sản cần được gìn giữ và bảo tồn. Từ đầu năm đến nay, riêng địa bàn Khu 1 (có nhiều cây xanh nhất) đã phát hiện hàng trăm trường hợp xâm phạm, phá hoại cây. Có 160 trường hợp được lập biên bản hiện trường với sự ghi nhận của địa phương. Trong đó chỉ 33 trường hợp đầy đủ cơ sở pháp lý được chuyển qua thanh tra chuyên ngành xử lý và chỉ có hơn 10 vụ được xử lý đúng quy định.
"Việc bảo vệ cây xanh rất khó vì người ta ra tay vào ban đêm, họ đổ hóa chất khiến cây chết từ từ trong khi việc phát hiện cần bắt được quả tang. Nhân viên công ty rất ít, không thể theo dõi bảo vệ hết từng cây được", Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Nguyễn Thị Hiền Lương cho biết. Cũng theo bà Lương, mức chế tài hiện nay đối với hành vi xâm hại cây xanh còn quá nhẹ, không đủ mức răn đe nên tình trạng xâm hại cây xanh vẫn còn rất nhiều.
Trước tình trạng này, Viện Môi trường và Tài nguyên phối hợp với Sở Giao thông Vận tải đang soạn thảo quy chế quản lý cây xanh đô thị được bảo tồn trên địa bàn TP HCM. Sắp tới TP HCM sẽ thành lập Hội đồng Mảng xanh đô thị, tập trung các nhà khoa học am hiểu lĩnh vực cây xanh và tham gia phản biện, cho ý kiến về trường hợp can thiệp đến cây cổ thụ, cây bảo tồn. Để được can thiệp xử lý cây cổ thụ, cây di sản bắt buộc phải có giấy phép của UBND thành phố.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, tổ chức cá nhân tự ý chặt hạ, di dời cây xanh khi bị phát hiện sẽ phải bồi thường thiệt hại gồm giá trị cây xanh, công chăm sóc... để khôi phục lại hiện trạng ban đầu.
Ngoài ra, theo Nghị định 23, hành vi xâm hại cây xanh sẽ bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng.
|
(Theo VnExpress)