Do nhà ở thu nhập thấp mang tính chất thị trường nên việc khống chế giá bán một căn nhà là bao nhiêu tiền không thể thực hiện được. Tuy nhiên, doanh nghiệp được quyết định giá bán không có nghĩa là muốn bán với giá bao nhiêu cũng được.
Do nhà ở thu nhập thấp mang tính chất thị trường nên việc khống chế giá bán một căn nhà là bao nhiêu tiền không thể thực hiện được. Tuy nhiên, doanh nghiệp được quyết định giá bán không có nghĩa là muốn bán với giá bao nhiêu cũng được.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định điều này tại hội thảo “Nhà ở xã hội và nhà ở thu nhập thấp - một năm nhìn lại”, do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức hôm qua. Theo ông Nam, sở dĩ chủ đầu tư được trao quyền được quyết định giá bán nhà ở thu nhập thấp là vì họ đã tự đi vay tiền, tự đền bù giải phóng mặt bằng và tự xây dựng.
Không loại trừ xảy ra tiêu cực
Ông Nam cho biết, nếu như nhà ở xã hội được xây dựng toàn bộ bằng tiền ngân sách Nhà nước và Nhà nước phân cho ai, phân ở đâu, người đó buộc phải nhận. Còn nhà ở thu nhập thấp là loại nhà mang tính thương mại, do các doanh nghiệp tự đi vay tiền để xây dựng nên Nhà nước không thể can thiệp và để cho họ được phép quyết định giá bán. Ngược lại, người mua, thuê nhà ở thu nhập thấp cũng có quyền lựa chọn mua ở đâu, mua với giá bao nhiêu. “Không thể khống chế giá bán là 5 triệu hay 10 triệu đồng một m2 được, vì một căn nhà thu nhập thấp xây ở Vĩnh Phúc khác với một căn nhà xây ở Hà Đông, Hà Nội, do giá đất và giá thành xây dựng không giống nhau”, ông Nam dẫn giải.
Với việc Thông tư hướng dẫn việc bán, cho thuê, thuê mua và quản lý sử dụng nhà ở thu nhập thấp mới được Bộ Xây dựng ban hành, ông Nam cho rằng quy trình, thủ tục, chế tài để ngăn ngừa tiêu cực đã rất đầy đủ. Tuy để doanh nghiệp được quyết định giá bán, song không phải muốn bán giá bao nhiêu cũng được. Nhà nước sẽ thẩm định giá bán để xem doanh nghiệp có làm đúng quy định hay không (không được tính tiền đất, tiền thuế và các ưu đãi khác vào giá bán; doanh nghiệp được hưởng lợi nhuận không quá 10% chi phí xây dựng). “Quy định, chế tài đầy đủ như vậy, song trong thực tiễn có thực hiện được hay không lại là vấn đề khác. Có xảy ra tiêu cực hay không còn phụ thuộc vào nhận thức và trách nhiệm của chính quyền và từng cán bộ”, ông Nam nói và cho biết thêm: “Hãy cứ xây được thật nhiều nhà đã, rồi lúc đó hãy bàn tiếp. Cua còn đang ở trong hang mà đã tính xào hay hấp, e hơi vội”.
Nhiều dự án sắp đưa vào sử dụng
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến nay, cả nước có 95 dự án nhà ở cho sinh viên tại 28 địa phương được đăng ký, với số vốn 3.500 tỷ đồng. Trong đó, có 88 dự án được khởi công. Riêng đối với nhà ở cho công nhân, đến nay có 24 dự án được khởi công với tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng, tổng diện tích 753.000 m2. Trong khi đó, 31 dự án nhà ở thu nhập thấp cũng đã được khởi công, với mức tổng đầu tư 2.500 tỷ đồng, tổng diện tích sàn xây dựng là 655.000 m2, tương ứng 7.500 căn hộ.
Dự kiến trong năm nay, nhiều dự án sẽ được đưa vào sử dụng, như khu đô thị Việt Hưng (Hà Nội), dự án Vinaconex ở Vĩnh Phúc, 16 dự án tại TP HCM với 1.609 căn hộ chung cư… Ông Hà cho biết, một căn hộ diện tích 50 m2 với mức giá bình quân 300 - 500 triệu đồng là phù hợp với khả năng chi trả của người thu nhập thấp. Nếu như thực hiện theo hình thức thuê mua (trả trước 20%) trong 20 năm, hàng tháng người mua chỉ phải trả chưa đến hai triệu đồng cho một căn hộ (bốn người ở).
Theo thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng, đối với nhà thu nhập thấp dành để bán, sẽ thực hiện theo hình thức trả tiền một lần hoặc trả chậm. Nếu mua trả góp, người mua nhà phải nộp lần đầu không quá 20% giá nhà ở. Đối với nhà dành cho thuê mua, người thuê mua nộp lần đầu không quá 20% giá nhà ở, thời gian thanh toán số tiền còn lại do hai bên tự thỏa thuận nhưng tối thiểu là 10 năm. Đối tượng đủ điều kiện mua, thuê mua là phải có thu nhập thấp (theo quy định của địa phương) và chưa có nhà ở (hoặc nhà ở có diện tích không quá 5 m2 một người).
(Theo Đất Việt)