Tp.HCM hiện có 1.500 biệt thự xây dựng trước năm 1975. Do vướng quy định, nhiều nhà, biệt thự cổ không được phép phá bỏ, xây mới
Những ngày qua, liên tục hứng chịu những cơn mưa lớn, hàng loạt nhà liền kế từ số 220 đến 240 Võ Văn Kiệt (Bến Chương Dương cũ; quận 1, Tp.HCM) , tường bị bong tróc. Hai mươi hộ sinh sống trong những căn nhà xây dựng lâu năm tại đây đang rất bất an.
Chờ sập mới cho sửa?
Các căn nhà trên vốn là trụ sở của Công ty Nước mắm Liên Thành, được xây dựng từ năm 1917. Lúc đó, bến Chương Dương khá náo nhiệt. Nơi đây là kho chứa muối, tẩm ướp cá tươi, kho ủ nước mắm... Qua thời gian, trụ sở này được bán cho khá nhiều người, tạo thành những căn nhà ống liền kế. Đáng nói là dù dãy nhà nằm ngay khu đất “vàng”, mặt tiền hướng ra bờ kênh nhưng nhiều hộ muốn bán vẫn không được. Nhiều nhà đầu tư ngại mua những căn nhà này vì biết rõ sẽ không được xây mới.
Ông Nguyễn Hà, chủ một căn hộ, than thở: “Hơn chục năm qua, chúng tôi mang đơn đi khắp nơi chỉ mong đập phá căn nhà của mình để xây mới nhằm bảo đảm an toàn nhưng không được phép. Tôi không hiểu sao mọi người gọi căn nhà tôi là nhà cổ”.
Tp.HCM hiện có 1.500 biệt thự xây dựng trước năm 1975
Bà Phạm Thị Liên, chủ một căn hộ khác, cho biết do trước đây nhà này là kho chứa nước mắm nên dưới nền còn rất nhiều muối. Khi mưa, hơi muối bốc lên thấm vào vách tường khiến gạch bị hư, vôi bong tróc. Thậm chí, có tường đang bị nứt, chỉ cần dùng chân đạp mạnh là có thể sụp từng mảng. “Chúng tôi khổ lắm rồi. Phải chăng chờ đến lúc nhà sập, chính quyền mới cho sửa?” - bà Liên bức xúc.
Chờ đợi bộ tiêu chí phân loại
Vừa qua, dư luận xôn xao về căn biệt thự cổ được xây dựng từ thời Pháp ở địa chỉ 237 Nơ Trang Long (phường 11, quận Bình Thạnh, Tp.HCM) bị chủ nhà đập bỏ vì lý do xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau đó, cơ quan chức năng đã ngăn chặn việc tháo dỡ.
Ông Trương Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Tp.HCM, cho hay căn biệt thự cổ nêu trên thuộc nhóm 1, không được tháo dỡ, đập phá. Trong khi đó, một thành viên Hội đồng Phân loại biệt thự Tp.HCM cho biết sau vụ sập biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), UBND Tp.HCM đã có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng TP phải tăng cường công tác quản lý nhà, biệt thự cổ trên địa bàn. Theo đó, những công trình nào đang xuống cấp phải khoanh vùng lại.
“Phải quản lý chặt, tránh trường hợp chủ nhà lợi dụng cơ chế tu sửa để tự ý tháo bỏ” - cán bộ này giải thích. Đó cũng là nguyên nhân khiến hàng ngàn căn nhà, biệt thự cổ tại Tp.HCM không được thay đổi hiện trạng.
Tp.HCM hiện có 1.500 biệt thự xây dựng trước năm 1975. Cuối tháng 7 vừa qua, Viện Nguyên cứu phát triển Tp.HCM đã trình UBND TP bộ tiêu chí phân loại biệt thự. Nếu được phê chuẩn, bộ tiêu chí này sẽ giúp phân loại biệt thự theo từng nhóm; trên cơ sở đó mới cho phép loại biệt thự nào được bảo tồn, loại nào được tháo dỡ.
Để có được bộ tiêu chí nêu trên, rất nhiều cơ quan chức năng ở Tp.HCM phải thống kê, tiếp nhận ý kiến các chuyên gia gần 6 năm qua. Trong quãng thời gian dài này cũng như trước đó, người dân sống trong biệt thự cổ hết sức bất an với chính căn nhà của mình.