Tham gia Hội thảo "Quy hoạch và Phát triển bờ kè sông Sài Gòn và sông, kênh nội thành và các giải pháp để hoàn thành cơ bản kè sông Sài Gòn, sông và kênh nội thành vào năm 2025" chiều ngày 10/9 vừa qua, các chuyên gia kiến nghị giao đất cho chủ đầu tư dự án tới mép bờ cao sông rạch.
Cụ thể, theo kiến nghị của giới chuyên gia, cần bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai quy định giao đất cho chủ đầu tư tới mép bờ cao sông rạch để khai thác hiệu quả, đồng thời đảm bảo về kiến trúc, quy hoạch sông, rạch trên địa bàn TP.HCM.
Mặt khác, các chuyên gia cũng kiến nghị bổ sung, sửa đổi Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị quy định thực hiện quy hoạch chi tiết phân khu bờ kè, hành lang bảo vệ sông rạch tại TP.HCM. Mục đích là để tôn tạo môi trường, cảnh quan, phát huy lợi ích kinh tế, văn hóa và xã hội trong quá trình khai thác, sử dụng quỹ đất ven sông rạch; đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
Theo đề xuất của giới chuyên gia, đối với quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch cần được xây dựng quy chế sử dụng, quản lý, khai thác kinh doanh để thực hiện thống nhất.
|
Giới chuyên gia kiến nghị giao đất cho chủ đầu tư dự án tới mép bờ cao sông rạch. |
TP.HCM đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị TP nên chỉ đạo kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng quy hoạch hành lang bảo vệ sông rạch mà trước hết là sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, hệ thống kênh rạch nội thành. Chính quyền TP tránh để tiếp tục xảy ra tình trạng phát triển cao ốc dày đặc, lấn át sông Sài Gòn hoặc biến một phần không gian sông thành không gian riêng của dự án nhà ở. Có vậy, quỹ đất ven sông rạch mới được khai thác hiệu quả; đảm bảo lợi ích công cộng, môi trường, cảnh quan và phát triển bền vững.
Các chuyên gia đề xuất giao đất dự án cho chủ đầu tư tới mép bờ cao sông rạch. Cùng với đó, cần quy định chủ dự án có trách nhiệm xây dựng bờ kè bảo vệ (sẽ kết hợp nắn mép bờ cao theo hình thức bù trừ đất đai nhằm chỉnh trị dòng chảy, làm đẹp cảnh quan), công viên, đường ven sông, mảng xanh, công trình dịch vụ công cộng trong khu vực thuộc hành lang bảo vệ sông rạch. Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư được quyền kinh doanh, khai thác có thời hạn.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Hội thảo trên nhằm mục đích phát huy sáng kiến của giới khoa học, quản lý, doanh nhân trong việc thảo luận, đánh giá, tìm kiếm giải pháp hoàn thành cơ bản kè sông Sài Gòn, hệ thống sông, kênh nội thành năm 2025. Tại Hội thảo, những đóng góp có giá trị thực tiễn về mặt ý tưởng cũng như giải pháp quy hoạch hành lang sông rạch TP.HCM sẽ được tổng hợp, kiến nghị, tham mưu UBND TP.HCM về quản lý phát triển hành lang rạch, sông đô thị.
Ngoài ra, Hội thảo nhằm mang lại hiệu ứng lan tỏa nhận thức đối với vai trò của hệ thống sông rạch trong quá trình phát triển TP.HCM và kế hoạch cải tạo chỉnh trang phát triển hành lang sông rạch tới năm 2025.
Những nội dung được tập trung làm rõ tại Hội thảo gồm:
- Nhà nước, người dân và doanh nghiệp cùng làm, khai thác quỹ đất giáp ranh bờ kè.
- Đề xuất phương thức thực hiện do Nhà nước quy hoạch;
- Đề xuất nguyên tắc, cơ chế quy hoạch, phát triển bờ kè sông rạch, kênh nội thành để đến năm 2025 hoàn thành cơ bản.
- Tình trạng nước biển dâng xâm lấn, sạt lở, ô nhiễm hệ thống sông, kênh;
- Kinh nghiệm, mô hình quy hoạch, thực hiện quy hoạch, xây dựng kè bờ sông tại các thành phố lớn trên thế giới;
- Hiện trạng kè bờ sông, kênh nội thành, quy hoạch xây dựng bờ kè, những giải pháp thực hiện kè bờ sông, kênh nội thành trong những năm 1995-2018.
Được biết, tổng chiều dài của sông Sài Gòn là 256km. Đoạn đi qua TP.HCM có chiều dài 80km, diện tích mặt nước là 5.000km2. Vùng đất thấp tại TP.HCM chiếm 65%, trong đó sông ngòi chiếm 16,7% diện tích.
Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính Online