Chuyển tới sinh sống trong căn nhà nhỏ diện tích chưa tới 50m2, gia đình chị Hoàng Thùy Dương lại cảm thấy ấm cúng, tiện nghi và thoải mái hơn hẳn so với thời còn ở nhà 100m2.
Sau đây là chia sẻ của chị Dương (40 tuổi), hiện sống tại Tp.HCM:
Năm 2008, vợ chồng tôi chuyển vào Nam sinh sống. Lúc bấy giờ, chúng tôi mua căn nhà 1 trệt, 3 lầu rộng hơn 100m2 trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp (Tp.HCM). Mới vào Nam còn nhiều bỡ ngỡ nên tôi đã nhờ ông bác ở Gò Vấp tìm nhà giúp với tiêu chí nhà xây sẵn, rộng rãi, có sân vườn.
Từ nhà tới nơi làm việc của hai vợ chồng ở quận 1 khoảng 6-7km. Đây là khoảng cách mà chúng tôi chấp nhận được bởi ở Hà Nội nhà xa cơ quan gần 10km.
Nhận nhà xong, tôi chi thêm một khoản tiền nữa để sửa chữa, cải tạo cho phù hợp với nhu cầu của gia đình. Phía trước nhà có khoảnh sân nhỏ 4m2 làm nơi để 2 xe máy cùng vài chậu cảnh. Trong khi đó, khoảnh sân nhỏ phía sau nhà có thể dùng để chế biến thức ăn, nấu nướng khi nhà có cỗ. Tầng trệt gồm phòng khách, khu bếp - ăn và phòng kho nhỏ. Hai phòng ngủ được bố trí trên tầng 2 và tầng 3. Phòng thờ, phòng tập thể dục nằm ở tầng trên cùng. Ngoài ra, tôi còn đặt ít thùng xốp trồng hoa, rau củ trên mái.
Đến năm 2010, vợ chồng tôi có thêm con thứ hai và bắt đầu thuê người giúp việc. Đây là người bà con xa với chồng tôi.
Do Tp.HCM ngày càng đông đúc nên thời gian từ nhà tới nơi học của con hay nơi làm việc của tôi đã tăng từ 20 phút thành 40 phút vào năm 2017. Có giai đoạn việc đi lại của chúng tôi cực kỳ vất vả khi cây cầu vượt trên đường được thi công. Cũng vì khói bụi nên sức khỏe của cả nhà bị ảnh hưởng. Trước đây, chỉ cần uống vài ngụm chanh đào ngâm là mẹ con tôi khỏi ho nhưng nay có thể kéo dài cả tháng vì ra đường hít phải quá nhiều xăng xe, khói bụi. Khoảng 6 tháng sau đó, tôi tìm được ngôi nhà 1 trệt, 1 lửng, 2 lầu rộng gần 50m2 trong con hẻm xe hơi tại phường Tân Định. Căn nhà này không chỉ phù hợp với nhu cầu của gia đình và còn vừa sức chi trả.
Vợ chồng tôi bán nhà cũ được hơn 6 tỷ đồng và mua nhà mới gần 6 tỷ. Với số tiền còn lại, chúng tôi dành để sửa sang lại nhà. Vì nhà mới nhỏ, phải bỏ đi khá nhiều đồ đạc nên ban đầu gia đình tôi hơi buồn. Do không phù hợp với không gian mới, tôi đành bỏ lại toàn bộ nội thất phòng bếp, phòng khách mình yêu thích bấy lâu.
Vậy nhưng, cả gia đình tôi đều cảm thấy vui vẻ, hài lòng sau một thời gian ở nhà nhỏ. Căn nhà mới gồm phòng khách, bếp ăn, 3 phòng ngủ và sân vườn ở các ban công. Trước đây, chúng tôi ít khi sử dụng phòng tập ở nhà cũ vì chồng thích đánh tennis trong khi mẹ con tôi lại thích đi bơi.
|
Khoảnh sân vườn nơi ban công nhà mới của gia đình chị Dương. (Ảnh: H.A) |
Nhà mới có số phòng vừa đủ dùng, không dư phòng nên tôi không còn thuê giúp việc nữa. Thực sự, tôi cảm thấy tự do hoàn toàn khi không có sự hiện diện của người lạ trong nhà. Không chỉ bớt đồ đạc hơn so với trước đây mà tôi còn sắm thêm máy rửa bát, đổi máy giặt thường sang loại máy có chế độ sấy nên việc nhà nhàn hơn hẳn. Do vậy, tôi chỉ thuê giúp việc theo giờ. Hơn nữa, hai cậu con trai đều sẵn sàng làm việc nhà khi không có giúp việc. Bọn trẻ thường bảo "ít việc thì chúng con làm được". Tôi cũng cảm thấy việc dạy con trở nên dễ dàng hơn. Các con đã biết tự dọn dẹp phòng riêng của mình.
Có thể không còn phòng kho nên vợ chồng tôi mua sắm tiết kiệm hơn. Ban đầu là ngại mua đồ vì không có chỗ để, sau đó chúng tôi học được lối sống tối giản, hạn chế tối đa việc mua sắm những thứ không thực sự cần thiết.
Vợ chồng tôi trước đây nghĩ rằng mình nên mua nhà to để có không gian khi các con trưởng thành. Vậy nhưng, càng ngày chúng tôi càng nhận ra rằng, sau này rất có thể các con sẽ tách ra ở riêng nên mua nhà nhỏ sẽ hợp lý hơn.
Ngoài ra, nhà mới ở gần chỗ học, chỗ làm nên cả gia đình tôi tiết kiệm đáng kể thời gian đi lại, có thêm thời gian để nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống.
Kiến trúc sư Huỳnh Xuân Hải (Tp.HCM) cho hay, nếu ở quá xa chỗ học, chỗ làm thì các gia đình đang ở độ tuổi lao động, con cái đang tuổi học hành sẽ có ít thời gian dành cho gia đình do quá tốn thời gian đi lại. Việc gia đình chị Dương chuyển tới sinh sống trong ngôi nhà nhỏ gần nơi học, nơi làm là lựa chọn hợp lý.
Theo ông Hải, lựa chọn nhà gần nơi các thành viên trong gia đình hay đến hàng ngày nhất quan trọng hơn việc chọn nhà gần hay xa trung tâm, nhà to hay nhỏ. Nếu sống trong một không gian nhỏ, đáp ứng vừa đủ nhu cầu thì các thành viên vừa giảm công việc nhà, vừa có thời gian gắn kết với nhau hơn.
Trong khi đó, kiến trúc sư Đoàn Thanh Hà (Hà Nội) cho biết, nhu cầu của người sử dụng chính là điểm xuất phát cho mọi lựa chọn nhà ở. Trên thực tế, mỗi gia đình có một hoàn cảnh khác nhau, cách thức sinh hoạt riêng nên lựa chọn cũng khác nhau về quy mô, vị trí của ngôi nhà. Đối với số đông nói chung, nhà quá nhỏ có thể phát sinh nhiều phiền toái trong sinh hoạt, nhà quá to dễ gây lãng phí. Thế nên, một ngôi nhà đáp ứng vừa đủ nhu cầu sẽ khiến mọi người cảm thấy thoải mái, vui vẻ nhất.
Kiến trúc sư Hà cho biết thêm: "Người Việt (đặc biệt ở miền Bắc) lâu nay hay có suy nghĩ khi xây nhà là phải tính cho cả con cái lập gia đình sau này, tôi thấy là nên thay đổi cách tiếp cận ấy, vì chính điều này góp phần tạo ra sự việc dư thừa diện tích như trên".