Vì tài chính có hạn nên tôi chấp nhận mua mảnh đất xen kẹt với pháp lý chưa rõ ràng. Quyết định này khiến tôi bị đọng vốn suốt cả thập kỷ, bán cũng không được. Tuy vậy, cũng có người mua đất như tôi lại may mắn lãi gần 2 tỷ đồng.
Hai vợ chồng tôi cùng quê Bắc Giang, kết hôn hồi đầu năm 2009 và làm công chức tại TP. Hà Nội. Hiện tại, chúng tôi vẫn rất ân hận vì đã mua đất xen kẹt cách đây 10 năm. Tôi không thể xây nhà trên đất, rao bán cũng chẳng có ai hỏi mua vì không thể chuyển đổi thành đất ở hay xây nhà.
Tôi mua mảnh đất xen kẹt này năm 29 tuổi. Ở độ tuổi đó, có lẽ suy nghĩ của tôi còn chưa chín chắn. Khi đó, tôi cứ nghĩ rằng, khi lấy vợ sinh con, mình phải lo cho gia đình, nên mua mảnh đất xây nhà ở lâu dài, không phải sống cảnh thuê trọ chật vật.
Lúc bấy giờ, thu nhập của hai vợ chồng chỉ đủ tiền thuê nhà, chi phí trang trải cuộc sống và tiết kiệm được một khoản nhỏ. Thế nhưng, vì tương lai của gia đình, chúng tôi chấp nhận mua đất xây nhà, nếu thiếu tiền sẽ vay mượn thêm.
|
Mua đất xen kẹt không rõ ràng pháp lý, nhà đầu tư có thể bị đọng vốn. |
Với 500 triệu đồng vay nóng từ bạn bè, hai bên nội ngoại, tôi chưa đủ để mua nửa căn hộ bình dân ở Linh Đàm hay Hà Đông. Dù đã nghĩ tới phương án vay thêm ngân hàng để mua chung cư nhưng chúng tôi lại thôi vì chính sách tín dụng khi đó không có nhiều ưu đãi cho việc vay mua nhà.
Vợ chồng tôi quyết định tìm mua đất nền ven đô. Tuy vậy, số tiền 500 triệu đồng mà chúng tôi gom được cũng không đủ mua mảnh đất có sổ đỏ rộng 30m2 vùng ngoại thành. Tôi được một người bạn cùng quê rủ mua đất xen kẹt tại Đại Mỗ (nay thuộc quận Nam Từ Liêm) và nuôi hy vọng có thể chuyển đổi sang đất ở trong tương lai.
Vì gần trung tâm quận, cách Bưu điện Hà Động khoảng 1,5km nên đất Đại Mỗ tăng giá mạnh vào năm 2009. Giá đất thổ cư lâu năm tại khu vực này từ 29-32 triệu đồng mỗi m2. Thế nên, chúng tôi chỉ có thể tìm mua đất xen kẹt.
Lúc đó, cả bạn tôi và tôi đều chỉ hiểu đất kẹt là đất xen kẹt với các khu dân cư, không giá trị bằng đất thổ cư lâu năm có sổ đỏ. Đất kẹt có giá chỉ 5-7 triệu đồng/m2. Khi tìm hiểu tôi mới biết, cùng là đất xen kẹt nhưng pháp lý có thể khác nhau, có thể là đất ao, đất nông nghiệp, đất 5%.... Những loại đất này đều được "cò" gọi chung là đất kẹt.
Chúng tôi mỗi người đã tìm được mảnh đất vị trí đẹp song lại không chú ý tới pháp lý cụ thể. Đất bạn tôi mua là đất ao, còn đất của tôi là đất nông nghiệp và đều mua bằng giấy tay. Mảnh đất tôi mua rộng 80m2, thuộc sào đất nông nghiệp được cắt ra bán với giá 6 triệu đồng/m2. Tổng giá trị lô đất tôi mua là 480 triệu đồng. Trong khi đó, mảnh đất bạn tôi mua trị giá 630 triệu đồng, diện tích 90m2, là một phần của cái ao đã được san lấp.
Sau đó 2 năm, mảnh đất của bạn tôi được phép xây nhà cấp 4. Sau 5 năm chuyển về ở tạm, anh được phép làm sổ đỏ với 200 triệu đồng tiền thuế chuyển mục đích sử dụng đất sang thổ cư.
Một thời gian ngắn sau đó, vợ chồng bạn tôi muốn đổi chỗ ở nên đã bán lại mảnh đất với giá 2,8 tỷ đồng (lãi gần 2 tỷ) và mua căn hộ ở Hà Đông trị giá 1,9 tỷ đồng.
Không may mắn như bạn tôi, mảnh đất của vợ chồng tôi không hề thay đổi. Tôi bị đọng vốn gần 500 triệu đồng trong suốt 10 năm qua. Thậm chí, tôi đã chấp nhận bán đất với giá thấp hơn mua vào song vẫn không có ai mua. Điều này cũng dễ hiểu vì nhà nước cấm mua bán đất nông nghiệp. Ngoại trừ trường hợp nhà nước mở rộng khu dân cư, còn không thì khu đất đó khó chuyển đổi sang đất ở được.
Để cứu vãn cảnh ôm nợ cả thập kỷ vì mua đất xen kẹt, vợ chồng tôi chỉ biết chờ đợi sẽ gặp may mắn như trường hợp anh bạn tôi.