Có khoảng 100 dự án bất động sản tại TP.HCM không thể triển khai do đang trong quá trình rà soát, kiểm tra pháp lý. Thực trạng này có thể khiến giá nhà tăng, nguồn thu ngân sách giảm sút, doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh, thậm chí có nguy cơ phá sản.
Theo bản báo cáo kiến nghị giải quyết vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, sau quý 1/2019, tình trạng dự án trễ tiến độ, không được xem xét, giải quyết kịp thời khiến giới phát triển bất động sản rất lo ngại.
Do vướng thanh tra, rà soát pháp lý kéo dài nên khoảng 100 dự án tại TP.HCM đang bị trễ tiến độ, không thể triển khai thực hiện. Theo HoREA, việc hàng hoạt dự án bị "tê liệt" gây ra 5 tác động tiêu cực như sau:
Thứ nhất, lượng nhà ở chào bán ra thị trường sẽ bị sụt giảm do số dự án giảm. Giá bất động sản sẽ có xu hướng gia tăng một khi nguồn cung giảm mạnh.
Thứ hai, dự án bất động sản không thể triển khai sẽ làm giảm cơ hội sở hữu nhà ở của phần đa người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp. Điều này sẽ ảnh hưởng tới việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.
Thứ ba, cả trăm dự án bị đóng băng tiến độ sẽ khiến nguồn thu ngân sách nhà nước từ nhà đất sụt giảm mạnh. Trong năm 2018, nguồn thu ngân sách TP.HCM từ tiền sử dụng đất giảm 22,5%. So với cùng kỳ năm ngoái, thu ngân sách TP trong 2 tháng đầu năm 2019 giảm tới 76%. So với năm trước, trong 2 tháng đầu năm, tổng nợ thuế tại TP.HCM tăng 13,5%, lên tới 10.110 tỷ đồng. Đáng chú ý, những khoản nợ liên quan tới đất chiếm 14% với 1.370 tỷ đồng. Trên địa bàn TP, có tới 76 doanh nghiệp địa ốc nợ thuế với tổng số tiền sử dụng đất xấp xỉ 800 tỷ đồng.
|
Cả trăm dự án tại TP.HCM bị ngưng tiến độ, không thể triển khai do vướng rà soát, thanh tra pháp lý. (Ảnh: Quỳnh Trần) |
Thứ tư, HoREA cho rằng, nếu quá trình thanh tra, rà soát kéo dài thì doanh nghiệp càng gặp nhiều bất lợi bởi lãi vay ngân hàng, chi phí vốn đều tăng và mất cơ hội kinh doanh. Trước những khó khăn chồng chất này, doanh nghiệp có nguy cơ đối mặt với việc phá sản. Mặt khác, các công ty xây dựng cũng bị ảnh hưởng bởi thực trạng trên. Thiếu nguồn dự án mới nên lượng hợp đồng nhận thầu của doanh nghiệp xây dựng cũng giảm sút đáng kể.
Thứ năm, tính minh bạch của môi trường kinh doanh tại TP.HCM sẽ bị suy giảm, khó dự đoán, có thể tăng tính rủi ro cho doanh nghiệp vì nhiều dự án bị hồi tố (xem xét, xử lý lại). Trên thực tế, không ít doanh nghiệp địa ốc đã có kế hoạch phát triển dự án ngoài địa phận TP.HCM để giảm thiểu rủi ro pháp lý, nhanh chóng có nguồn thu nhằm duy trì hoạt động.
HoREA cho biết, lý do khách quan khiến 100 dự án bất động sản bị ngưng tiến độ là do hệ thống pháp luật chưa đảm bảo tính đồng bộ, hệ thống. Cùng với đó, thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà, chồng chéo dẫn tới cơ chế xin - cho tiêu cực.
Trong khi đó, nguyên nhân chủ quan dẫn tới tình trạng này là do sự hạn chế và kém hiệu quả của việc thực thi pháp luật. Ngoài ra, một số công chức, cán bộ có thẩm quyền giải quyết những thủ tục hành chính liên quan tới nhà đất còn né tránh, đùn dẩy, chuyển hồ sơ lòng vòng, thậm chí không dám nên chính kiến giải quyết, có biểu hiện nhũng nhiễu, gây khó cho doanh nghiệp.
Theo kiến nghị của Hiệp hội, Thanh tra Chính phủ, UBND TP.HCM cần xem xét, giải quyết hợp lý đối với cả trăm dự án đang chờ thanh tra, rà soát này. Nguyên tắc là, không làm thất thoát tài sản công.
Đối với hơn 100 dự án đang bị rà soát, để có phương án xử lý phù hợp, HoREA đề xuất chia làm 3 nhóm, cụ thể như sau:
Nhóm 1: Những dự án cơ bản thực hiện đúng quyết định của cơ quan có thẩm quyền cần giải tỏa ngay cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai.
Nhóm 2: Các dự án có sai phạm về thủ tục, quy trình, nghĩa vụ tài chính nhưng ở mức độ không lớn thì yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục đầu tư, thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung, tránh để tài sản công bị thất thoát.
Nhóm 3: Những dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật nghiêm trọng, cần tách riêng để xử lý theo luật định.