Đối tượng mua BĐS nghỉ dưỡng phần đa là người ngoại quốc và Việt kiều. Dù tăng thanh khoản cho phân khúc này nhưng cũng gây quan ngại, liệu đây có là một kênh đầu cơ mới của giới nhà giàu?
Tuy nhiên, theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, "thực tế lại trái ngược với những gì người ta quan ngại". Dưới đây là những trao đổi cụ thể của ông Mattew về vấn đề này:
- Thị trường BĐS đang bắt đầu có sinh lực mạnh mẽ sau một thời gian dài đình trệ, ông có nhận xét gì với riêng phân khúc BĐS nghỉ dưỡng không?
Theo tôi, thị trường BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang phát triển với 4 yếu tố chính. Một là, kinh tế phát triển thúc đẩy yêu cầu ngày một cao về nghỉ dưỡng trong bộ phận dân cư. Hai là, nhu cầu về loại BĐS này cũng tăng lên do người dân muốn nâng cao chất lượng cuộc sống, họ đi du lịch nhiều hơn và thông thường sẽ đi cùng cả gia đình.
Ba là, ngành du lịch Việt Nam hiện có tốc độ tăng trưởng đều, hàng năm vẫn thu hút một lượng lớn khách trong nước cũng như quốc tế. Và cuối cùng, yếu tố thứ 4, đó là, BĐS nghỉ dưỡng đang trở thành xu hướng đầu tư mới và đây cũng là phương thức ngày càng có nhiều người lựa chọn.
BĐS nghỉ dưỡng có trở thành kênh đầu cơ mới?
- BĐS nghỉ dưỡng từng có thời gian là phân khúc trầm lắng nhất thị trường, vậy đâu là yếu tố đóng vai trò cốt lõi giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của phân khúc này, thưa ông?
Phát triển các sản phẩm BĐS đều phải dựa trên cơ sở là các nghiên cứu thị trường cũng như việc chọn thời điểm để đưa sản phẩm đó ra thị trường. Ví dụ, dự án Beach Resort có rất nhiều dòng sản phẩm cao cấp và trung bình tại Đà Nẵng, thế nhưng sự thành công mà dự án The Point đạt được chủ yếu là do chủ đầu tư đã làm "bài tập về nhà” rất kỹ.
Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô có nhiều biến động như thời gian qua, BĐS được xem là kênh đầu tư nhiều triển vọng, là lựa chọn tốt hơn vàng, chứng khoán hoặc gửi tiền vào ngân hàng. Tuy vậy, do người ta ưa thích tập trung vào dòng sản phẩm cao cấp nên đa phần đã không mang lại thành công. Bởi vì, đặc thù của BĐS nghỉ dưỡng là đòi hỏi chất lượng cao nhưng giá thành sản phẩm phải hợp lý.
- Ông từng nói, BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam hiện đang là lựa chọn có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Ông có thể cho biết cơ sở của nhận định này không?
Tôi cho rằng, trong "nghề" BĐS, chữ tín vô cùng quan trọng và để đảm bảo được nó, nhà đầu tư không thể đưa ra những sản phẩm có chất lượng tồi, nó cũng tương tự như việc khách du lịch sẽ "một đi không trở lại" nếu ai đó bán một chai nước uống với giá quá cao. |
Thị trường Việt Nam hiện đang phát triển nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng, tôi nghĩ, các bạn nên học hỏi từ các nước đi trước. Các nhà đầu tư quốc tế khi đến Việt Nam đã mang theo các tiêu chuẩn quốc tế, do đó chất lượng sản phẩm của họ cũng tốt hơn, điển hình như các sản phẩm của VinaLiving.
Hiện tại, lợi thế của BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam là các bạn có tất cả những thứ quốc tế có, không chỉ là chất lượng sản phẩm nhà mà gồm cả cảnh quan thiên nhiên, tiện ích. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất giúp phân khúc này có sức cạnh tranh cao trong khu vực lại nằm ở mức giá hợp lý và giá trị sản phẩm tốt.
- Thế nhưng, nếu giá bán BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực có thể sẽ khiến các nhà đầu tư quan ngại về chất lượng của sản phẩm cũng như các dịch vụ tiện tích đi kèm?
Phải khẳng định rằng, hiện nay giá BĐS của Việt Nam đang cạnh tranh hơn. Với phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, công việc không chỉ dừng lại ở khâu hoàn tất sản phẩm mà còn kéo dài trong suốt quá trình vận hành các tiện ích chung. Một điểm nữa là, tại các khu nghỉ dưỡng, tùy từng loại BĐS mà nhà quản lý tuyển các đơn vị vận hành dịch vụ tiện tích. Thông thường, các chủ đầu tư sẽ thuê các đơn vị vận hành quốc tế, do đó chất lượng dịch vụ các tiện ích cũng không hề thua kém các nước phát triển.
- Hiện tại, đối tượng mua BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam chủ yếu là người nước ngoài và Việt kiều. Điều này gây quan ngại, phân khúc này liệu có trở thành kênh đầu cơ mới của giới giàu có? Ông có ý kiến gì về điều này không?
Tình hình thực tế đang diễn ra trái ngược với những gì người ta quan ngại. Theo các nghiên cứu của Savill, đối tượng mua BĐS nghỉ dưỡng ở Việt Nam đa số là người trong nước, họ chiếm đến 75 - 80% và chủ yếu đến từ Hà Nội, Tp.HCM.
Tôi hy vọng, sau ngày 1/7 tới, khi hành lang pháp lý liên quan đến nhà đất "rộng cửa" hơn, sẽ có thêm đối tượng hỏi mua BĐS nghỉ dưỡng là người nước ngoài ở Việt Nam, Việt Kiều và thậm chí cả người nước ngoài ở nước ngoài.
Theo Doanh nhân Sài Gòn Online