Hơn 100 khu chung cư hiện đang xảy ra tranh chấp trên tổng số 935 chung cư cao tầng tại Tp.HCM là con số rất đáng báo động...
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM HoREA đã công bố Báo cáo thị trường bất động sản TP 3 quý đầu năm. Báo cáo này đặc biệt nhấn mạnh đến hiện trạng tranh chấp đang diễn ra gay gắt tại hơn 100 chung cư trên địa bàn TP.
Hiện, Tp.HCM có 935 chung cư cao tầng thì có tới 105 chung cư xảy ra tranh chấp ở nhiều mức độ khác nhau. Thống kê của Hiệp hội này cho thấy, có tới 9 chung cư đang xảy ra tranh chấp ở mức độ cực kỳ gay gắt và phức tạp. Một số tranh chấp điển hình có thể kể đến là chủ đầu tư chậm tổ chức đại hội chung cư để bầu Ban quản trị hoặc do chưa bàn giao quỹ bảo trì chung cư...
Ngoài ra, việc xung đột do phần sở hữu chung như nhà để xe, khu vực kinh doanh, cho thuê, phòng sinh hoạt cộng đồng... hiện đang rất "nóng" ở nhiều chung cư.
Những xung đột về quản lý sử dụng nguồn thu phí vận hành chung cư của các hộ dân nộp hàng tháng hay các tranh chấp về chất lượng xây dựng chung cư, thiết bị, công trình phòng cháy chữa cháy hiện nay cũng diễn ra thường xuyên tại nhiều khu chung cư tại Sài Gòn...
Tháng 10/2017, một vụ tranh chấp tầng hầm tại quận 7, Tp.HCM diễn ra gay gắt
Ảnh: Samuel Nguyen
Việc nhiều chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng như cam kết trước đó hoặc chưa làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua nhà qua nhiều năm càng khiến các mâu thuẫn diễn ra "như cơm bữa". Nghiêm trọng hơn, nhiều chủ đầu tư còn thực hiện thế chấp căn hộ cùng các dự án cho ngân hàng mà không giải chấp hay chưa đủ điều kiện nghiệm thu hoàn thành công trình mà đã đưa dân vào ở trong trạng thái rất thiếu an toàn.
Hiệp hội Bất động sản Tp. HCM đánh giá, hệ thống pháp luật còn lỏng lẻo và nguyên nhân chính dẫn đến những tranh chấp nói trên. Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có nội dung quy định các điều cấm nhưng không có điều khoản về chế tài, xử phạt những hành vi vi phạm của các chủ đầu tư là một kẽ hở đáng để bàn luận.
Hiệp hội này dẫn chứng, Nghị định số 121 của Chính phủ có nội dung quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, kinh doanh BĐS, quản lý phát triển nhà... hiện nay thậm chí đã hết hiệu lực nhưng lại chưa được thay thế bằng Nghị định khác.