Tp.HCM đã bắt đầu triển khai rầm rộ công tác “chinh phục đổi đời” cho hàng trăm chung cư cũ trên địa bàn. Từ nay đến năm 2020, TP sẽ tiến hành dỡ bỏ, xây dựng lại tối thiểu 50% trong tổng số 474 chung cư cũ nằm rải rác trên 15 quận nội thành.
Tp.HCM đang đẩy mạnh công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ
Câu chuyện cải tạo các chung cư cũ không chỉ là vấn đề nan giải ở Tp.HCM mà từ cả chục năm nay tại Thủ đô Hà Nội cũng là bài toán đau đầu của chính quyền địa phương, bởi nói thì nhiều nhưng làm chẳng được bao nhiêu.
Hiện nay, công tác này đã có nhiều tiến triển khác trước. Với tư duy mới cùng với nhiều giải pháp đồng bộ, chỉ tính riêng ở Quận 1 -TP.HCM đã có đến 30 doanh nhgieepj đăng ký đầu tư xây dựng lại các chung cư cũ, trong khi trước đó chỉ có... 1 doanh nghiệp đăng ký thực hiện công việc này.
Tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiến hành cải tạo hết tất cả các khu chung cư cũ trên địa bàn, nhưng cách làm và cơ chế sẽ hoàn toàn mới. Người dân có thể bán lại nhà hoặc sẽ phải chấp nhận tỷ lệ đền bù 1:1 khi thực hiện cải tạo nhà chung cư cũ.
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trường Bộ Tài nguyên & Môi trường ủng hộ chủ trương này và cho rằng, nếu như áp dụng tỷ lệ 1:1 trong cải tạo chung cư cũ đã là quá tốt rồi. Bởi, người dân được thay đổi toàn bộ môi trường sống, được ở trong căn nhà theo thiết kế mới hơn, hiện đại hơn thì tỷ lệ như thế là hoàn toàn hợp lý. Nếu như áp đặt hệ số cao hơn thì sẽ gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp thực hiện công việc cải tạo chung cư cũ và tăng thêm áp lực cho TP về hệ số tầng cao.
Hiệp hội BĐS Tp.HCM cũng kiến nghị rằng, khi xây dựng lại chung cư mới và đưa vào sử dụng, các chủ sở hữu, chủ sử dụng hợp lệ tại chung cư cũ nên được bố trí tái định cư ở căn hộ mới có diện tích lớn hơn hoặc bằng diện tích cũ và không phải trả thêm chi phí.
Trong trường hợp chủ sở hữu nhà chung cư được bố trí căn hộ mới mà vẫn phải nộp thêm tiền chênh lệch diện tích thì chủ sử dụng được vay vốn từ tổ chức tín dụng; vay vốn từ Quỹ phát triển nhà ở TP để thanh toán khoản tiền chênh lệch phải nộp. Đối với chủ sở hữu nhà chung cư thuộc đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội thì sẽ được vay vốn từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội để mua thêm phần chênh lệch diện tích này...
Những động thái mới trên đã chứng tỏ việc cải tạo chung cư cũ ở các đô thị lớn đang có sự chuyển biến về tư duy, ý chí mới, cách làm mới..., tuy nhiên vẫn trong một nguyên tắc “rất cũ”, đó là phải minh bạch về lợi ích của các bên tham gia.
Có như vậy thì công tác cải tạo chung cư cũ mới có thể hy vọng có những bước tiến trong tương lai.