Nhiều người đang tỏ ra lo ngại trước tình trạng "bội thực" nguồn cung căn hộ cao cấp, bởi, trong khi lượng hàng tồn kho của phân khúc này chưa giải quyết xong thì đã có không ít dự án mới đã và sẽ tiếp tục “ra lò”.
CBRE cho biết, tỷ lệ giao dịch trong quý I/2015 của phân khúc căn hộ cao cấp đã tăng, chiếm 26% tổng lượng giao dịch, trong khi, tỷ lệ này chỉ đạt 14% ở những quý trước đó.
Chủ đầu tư của Dự án chung cư cao cấp Tràng An Complex nằm trên đường Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy, Hà Nội mới đây đã bất ngờ công bố tỷ lệ giao dịch thành công đạt tới 300% kế hoạch nguồn cung mà họ dự kiến “tung” ra thị trường trong lần mở bán đầu tiên. Điều này chứng tỏ, giới đầu tư và người mua nhà đang dần quan tâm hơn đến phân khúc căn hộ cao cấp.
Cùng với đó, thanh khoản của một số dự án cao cấp khác tại Hà Nội cũng ghi nhận thanh khoản đang tăng. Điển hình như dự án ở 36 Hoàng Cầu, theo thông tin từ chủ đầu tư, dự án hiện chỉ còn khoảng hơn 100 căn trong tổng số hơn 300 căn.
|
Bất chấp nhu cầu còn thấp, nhiều dự án căn hộ cao cấp vẫn đua nhau "mọc". (Ảnh minh họa, nguồn: cafef) |
Song, chỉ mới có chút đó thôi nhưng các chủ đầu tư đã lao vào cuộc đua đầu tư xây dựng vào phân khúc này, đua nhau cùng “tung chiêu” khuyến mại ngay cả khi chưa có hàng.
Nhìn trở lại nguồn hàng tồn kho còn đứng đó chưa có lối ra và những dự án đang, sẽ được tung ra thị trường, người ta sẽ thấy được phân khúc căn hộ cao cấp tại thị trường Hà Nội có một lượng cung khá “khủng”.
Trong đó, có thể kể đến một số dự án điển hình như: Goldmark City trên đường Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy với 5.000 căn; Home City ở Trung Kính, Cầu Giấy với 1.200 căn; Tràng An Complex ở Phùng Chí Kiên, Cầu Giấy còn đến 800 căn; Imperia Garden trên đường Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân cũng sắp tung ra thị trường đến 1.600 căn, Park Hill Time City là khoảng hơn 4.000 căn; cùng với đó là hàng loạt các căn hộ còn tồn đọng tại các dự án siêu sang của Tân Hoàng Minh trên đường Nguyễn Văn Huyên, Watermark Hồ Tây trên đường Lạc Long Quân hay Hòa Bình Green City ở Minh Khai, Hai Bà Trưng….
Tại thị trường Tp.HCM, lượng hàng của phân khúc cao cấp cũng còn không ít. Cụ thể, Vinhomes Central Park với 10.000 căn, 3.000 căn của Masteri Thảo Điền, 1.200 căn của Scenic Valley, 1.860 căn của The Sun Avenue và họ còn phải kết hợp với các đơn vị tư vấn mang “hàng” ra Hà Nội để giới thiệu và bán hàng….
Nhiều người không khỏi lo ngại thị trường căn hộ cao cấp sẽ rơi vào tình trạng bội thực nguồn cung khi mà đã, đang và sẽ có hàng loạt các căn hộ thuộc phân khúc này được tung ra thị trường một cách “ồ ạt” trong năm nay và 1, 2 năm tới. Trong khi đó, nguồn cầu lại khá hạn hẹp, người mua nhà hiện nay lại chủ yếu hướng đến phân khúc nhà ở trung bình và giá rẻ.
Một chuyên gia bất động sản cho hay: phải mất vài năm tới mới có thể tiêu thị hết số căn hộ cao cấp còn lại trên địa bàn Hà Nội hiện nay. Nếu các dự án mới vẫn tiếp tục được xây dựng thì nguy cơ “bội cung” là có cơ sở.
Nhưng, ngược lại với nhận định trên Tổng giám đốc Đất Xanh miền Bắc, ông Vũ Cương Quyết lại cho rằng, so với thời điểm 2 năm trước thì đây là thời cơ để các dự án cao cấp tung hàng.
Bở, điểm quan trọng nhất của căn hộ cao cấp là vị trí, hiện tại, có thể chọn được vị trí đẹp cho các dự án xây dựng cao tại các quận nội đô là rất khó và các dự án cao cấp có vị trí đẹp là không nhiều. Trong khi, nguồn cầu về nhà cao cấp ở những quận nội thành Hà Nội lại đang rất nhiều, ông Quyết phân tích thêm.
Cùng với đó, một chủ đầu tư khác cũng tỏ ra khá lạc quan khi cho rằng, quy định về sở hữu nhà ở tại Việt Nam dành cho người nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây sẽ là một tín hiệu tốt với căn hộ cao cấp trong năm nay.
Một khi quy định được thực thi, không nguồn tiêu thụ của thị trường căn hộ cao cấp tăng sự đầu tư của các nhà kinh doanh thứ cấp cũng lớn hơn, họ sẽ tiến hành mua đi bán lại hoặc mua với mục đích cho thuê để kiếm lợi nhuận bởi, lãi suất tiền gửi lúc này đang thấp.