“Sắp tới dư nợ sẽ tăng lên vì ngân hàng đã xác định phân khúc cho vay, sửa nhà, cho thuê chiếm khoảng 40% tổng dư nợ cho vay bất động sản. Chỉ một cú hích từ ngân hàng, những dự án bất động sản đang dở dang sẽ sống trở lại..."
Theo các chuyên gia tài chính, kinh tế, với những biến động của thi trường bất động sản, hiện nay nếu các chủ dự án chấp nhận trả mức lãi suất cao (khoảng 10%/năm) thì sẽ có được những cú "hích tay" của ngân hàng làm bàn đạp hồi sinh cho các dự án còn đang dang dở.
Dự án bất động sản đang dang dở.
(Ảnh minh họa - nguồn: 24h.com.vn)
Ông Cấn Văn Lực cho biết, tính đến cuối năm 2013, tổng dư nợ cho vay đầu tư bất động sản không quá lớn, dừng ở con số khoảng 262 nghìn tỷ, chiếm 8% tổng dư nợ. Đến hết tháng 9/2014, dư nợ tín dụng bất động sản tăng khoảng 11,5% so với cuối 2013, cao hơn mức bình quân tăng trưởng dư nợ của hệ thống ngân hàng.
Trong đó, phân khúc lớn nhất liên quan đến nhà ở, sửa mua nhà để ở (chiếm 26%), sửa mua nhà cho thuê (chiếm 13%), cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 17%...
Phân tích một số hạn chế của thị trường bất động sản, ông Lực cho biết: Đặc điểm của thị trường bất động sản là đa số tài sản đảm bảo vốn vay là bất động sản (khoảng 60%), thủ tục hành chính trong lĩnh vực bất động sản quá phức tạp, quy mô doanh nghiệp bất động sản còn nhỏ, số vốn điều lệ của các doanh nghiệp còn thấp (60% số doanh nghiệp bất động sản có vốn điều lệ dưới 20 tỷ đồng).
Vốn cho bất động sản hiện có khoảng 3-4 nguồn, vốn do nhà nước đầu tư nhưng chưa nhiều, phần lớn nằm dưới dạng các quỹ tiết kiệm nhà ở; vốn huy động từ các thành phần kinh tế chủ yếu vẫn là vay từ ngân hàng (chiếm hơn 70%). Tuy nhiên, vốn cho bất động sản hiện đã có một số tín hiệu khả thi, bắt đầu từ việc ra đời các quỹ đầu tư bất động sản. Tính tổng số, hiện có khoảng 10 quỹ FDI đầu tư vào bất động sản. Trong 10 tháng đầu năm 2014, có hơn 1,22 tỷ USD FDI đăng ký vào bất động sản, chiếm 9% tổng FDI đăng ký, tuy so với trước đây giảm nhưng đã có xu hướng tăng trở lại.
Xét trên các bình diện thì mức độ rủi ro vẫn có nhiều, song dù nhận thức được hạn chế đó nhưng các ngân hàng vẫn sẵn sàng làm, bởi trong lĩnh vực tài chính, rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng lớn.
Chuyên gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh: “Sắp tới dư nợ sẽ tăng lên vì ngân hàng đã xác định phân khúc cho vay, sửa nhà, cho thuê chiếm khoảng 40% tổng dư nợ cho vay bất động sản. Chỉ một cú hích từ ngân hàng, những dự án bất động sản đang dở dang sẽ sống trở lại”.
TS. Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính) cho hay, số liệu từ ngân hàng cho thấy nguồn tín dụng dành cho bất động sản hiện nay khoảng 350.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% tổng nguồn vốn tín dụng.
Ông Ánh nhận định: "Con số này chưa lớn, trong thời gian tới, khi hiện có nhiều nguồn vốn khác nhau đang chực chờ “đổ” vào bất động sản như kiều hối, nhà đầu tư nước ngoài... có thể nguồn tín dụng bất động sản sẽ tăng”.
Tuy nhiên, Tiến sĩ đưa ra lời khuyên, các nhà đầu tư bất động sản cần phải sẵn sàng chấp nhận trả mức lãi suất tương đối cao, bởi hiện ngân hàng không có kế hoạch giảm lãi suất. Vì vậy, nếu không có chiến lược kinh doanh hiệu quả, không đủ lợi nhuận để trả lãi suất 10%/năm thì doanh nghiệp đừng nên làm.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Công ty Địa ốc Đất Lành khi trao đổi ở góc độ doanh nghiệp lại tỏ ra khá băn khoăn về vấn đề lãi suất cho vay của ngân hàng. Theo ông: “Tuy có nhiều vốn nhưng ngân hàng vẫn “ngại” cho vay, nhất là những dự án không có tính khả thi và mức lãi suất cho vay khá cao (trên dưới 12%/năm). Trong khi đó, bất động sản hiện nay đang chững lại mà lãi suất vẫn ở mức cao thì gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp. Chỉ khi doanh nghiệp nào đuối lắm mới dám vay, còn vay từ đầu để đầu tư vào đất dự án thì rất hiếm”.
Như vậy, để bất động sản sống lại, xét cho cùng vẫn còn có sự tác động của nhiều yếu tố lớn nhỏ khác nhau và đây vẫn là bài toán cần lời giải đáp.