Từ nay đến hết năm 2019, sẽ có hàng chục nghìn căn hộ condotel và phòng khách sạn mới sẽ gia nhập thị trường BĐS du lịch Đà Nẵng, dẫn đến nguy cơ của một cuộc “khủng hoảng” về nguồn cung sản phẩm condotel và khách sạn.
Sẽ xảy ra khủng hoảng thừa căn hộ condotel và phòng khách sạn?
Các nhà đầu tư BĐS đang chuẩn bị đón đầu làn sóng từ APEC sẽ diễn ra trong tháng 11/2017 tại Đà Nẵng, tạo ra một luồng sóng đầu tư mạnh mẽ tại TP này, đặc biệt là phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng.
Theo số liệu của Công ty CBRE Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2017, tổng số nguồn cung căn hộ codotel trên địa bàn TP là 6.715 căn. Dự kiến đến cuối năm, thị trường Đà Nẵng sẽ có thêm khoảng 1.350 căn đến từ 5 dự án. Một số dự án đã được chủ đầu tư dời thời gian chào bán dự kiến sang 2018-2019. Dự báo nguồn cung mới trong 2 năm tới sẽ vào khoảng 9.000 căn.
Dự kiến, trong những năm tới, xu hướng du lịch nghỉ dưỡng tại các Condotel sẽ tiếp tục nở rộ. Do nhắm vào khách thuê là khách đi nghỉ dưỡng nên condotel thường tập trung tại các thành phố du lịch. Sản phẩm condotel sẽ tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp đối với các khách sạn truyền thống do có dịch vụ tiện nghi, tiện ích tương đương nhưng giá thuê lại thường rẻ hơn một chút. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là các dạng condotel mua đầu tư thì dễ nhưng sau thời gian cần thu hồi vốn thì việc chuyển nhượng lại để có lợi nhuận thì rất khó. Giá trị của các căn condotel hầu như không lên giá nhiều so với giá mua lúc ban đầu.
Không chịu kém cạnh, phân khúc khách sạn cũng đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về số lượng phòng trong thời gian vừa qua và dự báo sẽ tiếp tục tăng từ nay đến hết năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2017, thị trường Đà Nẵng đã đón nhận thêm 1 khách sạn 5 sao và 4 khách sạn 4 sao, cung cấp thêm hơn 1.000 phòng, nâng tổng nguồn cung khách sạn 3 - 5 sao tại TP này lên 12.969 phòng.
Tính đến cuối năm 2017, thị trường dự kiến sẽ có thêm khoảng 3.800 phòng đến từ 21 khách sạn mới, nâng tổng số phòng lên hơn 16.800, so với năm 2016 đã tăng 40%. Đây là tỷ lệ tăng cao nhất về nguồn cung khách sạn trong giai đoạn 2014 – 2017. Dự báo trong 2 năm tới, tốc độ tăng trưởng nguồn cung dao động từ 7 - 9% mỗi năm. Đến năm 2019, thị trường dự kiến sẽ có tổng cộng 19.600 phòng khách sạn 3 - 5 sao.
Số lượng khách sạn tăng nhanh sẽ tạo áp lực về giao thông
Trong khi đó, thị trường căn hộ condotel và khách sạn lại phụ thuộc rất lớn vào khách du lịch, chỉ cần thị trường du lịch bị sụt giảm thì rủi ro trong suất đầu tư condotel cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Và việc chuyển đổi căn condotel thành căn hộ để ở hoặc cho thuê lâu dài cũng khá khó khăn bởi chi phí quản lý dạng condotel thường cao hơn rất nhiều so với chi phí quản lý căn hộ bình thường và có rất ít người thuê dạng căn hộ này.
APEC đang được coi là điểm tựa cho sự phát triển của BĐS nghỉ dưỡng Đà Nẵng trong giai đoạn trước và sau khi diễn ra sự kiện này.
Bà Đoàn Thị Cẩm Hồng, Giám đốc Công ty địa ốc Hoàng Bảo Ân cho rằng, nhà đầu tư đang rất kỳ vọng sự tăng giá của các sản phẩm BĐS tại Đà Nẵng sau sự kiện APEC. Mặc dù những giao dịch trong phân khúc BĐS du lịch hiện đang diễn ra chậm hơn so với cùng thời điểm năm ngoái, nhưng nhà đầu tư vẫn mạnh dạn triển khai những dự án để đón đầu xu hướng.
Bà Hồng cũng cho rằng, đầu tư vào BĐS du lịch tại Đà Nẵng đang được xem là một xu hướng của thời đại, nhưng với sự đầu tư liên tục như hiện nay thì sẽ có nguy cơ dẫn đến ”khủng hoảng thừa” đối với phân khúc này.
Nguy cơ gây áp lực lên hạ tầng
Khảo sát thực tế tại các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng, có rất nhiều con đường được người dân quen gọi là “phố khách sạn” như Hà Bổng, Hồ Nghinh, Phan Liêm, Trần Bạch Đằng…
Có nhiều con đường chỉ có chiều dài vài trăm mét nhưng tập trung đến vài chục khách sạn, đơn cử như đường Hà Bổng dài khoảng 500m, rộng hơn 7m nhưng đã có tới gần 50 khách sạn lớn, nhỏ. Không chỉ vậy, trong những ngõ nhỏ rộng chừng hơn 3m, hệ thống khách sạn cũng nhan nhản, khiến cho giao thông trở nên tắc nghẽn, việc đi lại của người dân cũng gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Thắng, một người kinh doanh dịch vụ vận chuyển tại đường Hà Bổng cho biết: “Trước đây con đường này khá yên tĩnh nhưng từ khi xuất hiện khách sạn, nhà nghỉ thì khu phố đã trở nên ồn ào hơn, đặc biệt là vào chiều tối. Ô tô tấp nập qua lại đón khách khiến giao thông tại đây thường bị ùn tắc”.
Không chỉ gây áp lực về giao thông, các dự án condotel và khách sạn cũng gây ra những áp lực về môi trường, xử lý nước thải. Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải TP. Đà Nẵng cho biết, việc “bùng nổ” khách sạn đã và đang gây quá tải cho hệ thống xử lý nước thải của TP. Do không đủ khả năng xử lý, thời gian qua đã xảy ra hiện tượng nước thải tràn ra vỉa hè, bờ biển…