Các khu đất nhảy dù gần khu công nghiệp của Đồng Nai và Bình Dương ngày càng được nhiều người tìm mua bất chấp rủi ro cao vì còn nhiều vướng mắc về pháp lý. Đặc biệt, hầu hết những người mua đều biết điều này nhưng họ vẫn chấp nhận, vì sao?
Sẽ gặp rủi ro lớn trong việc chuyển đổi quyền sử dụng đất khi mua đất nhảy dù.
Liều mua đất vườn vì ham của rẻ
Chị Hương, một công chức ở Tp.HCM, vừa bỏ kế hoạch mua đất tại Dự án Làng Sen (Long An) của Công ty CP Phúc Khang để chuyển sang mua đất “nhảy dù” trên phường Long Bình (TP. Biên Hòa). Nguyên nhân mà chị Hương chuyển đổi hướng đầu tư là vì chị muốn khi về hưu sẽ chọn cho mình được “một nơi sống yên bình nhưng vẫn phải có tí phố xá”.
Theo kế hoạch ban đầu, chị tính mua một lô đất tại Dự án Làng Sen, có diện tích khoảng 90m2, được bán với giá gần 300 triệu đồng. Song, sau khi suy đi tính lại, chị đi đến quyết định mua mảnh đất vườn 105m2 tại phường Long Bình với giá 80 triệu đồng. Dù hạ tầng chưa được kết nối nhưng chủ nhà đã tiến hành phân lô và làm đường bê tông ở trong khu đất.
Khi đi khảo sát các khu vực xung quanh, chị Hương có nghe nói, số hộ “nhảy dù”, biến đất vườn, đất đồi thành đất ở tại đây đã lên đến con số hàng nghìn, vậy nên, buộc chính quyền Đồng Nai phải hợp thức hóa những khu đất này để người dân có được nơi ở ổn định.
Từ đó, đã nuôi một niềm hy vọng trong chị Hương, đó là, khi có nhiều người đến ở thì lô đất mà chị mua cũng sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ). Trong trường hợp không được cấp sổ cũng không sao hết, vì việc xây nhà từ 2 tầng trở xuống trên những mảnh đất phân lô chưa được hợp pháp hóa thành đất ở nếu có bị chính quyền phạt thì cũng chỉ mất một chút tiền.
Còn số tiền 200 triệu đồng, chị Hương gửi ngân hàng với mức lãi suất khoảng 6%/năm, tính ra, mỗi năm chị cũng có khoảng 12 triệu tiền lãi.
Chị Hương cũng phân tích thêm, đất vườn ở gần các khu công nghiệp thường dễ bán vì công nhân tại các khu công nghiệp ngày càng đông thêm và chủ yếu là đến từ các vùng quê nên họ thích ở nhà riêng hơn là chung cư.
So sánh các khoản đầu tư đất nền thì Long An hay những lô đất xa trung tâm Thành phố mới Bình Dương vẫn có thể chấp nhận được. Còn với các đất nền tại quận 12, quận 9 hay quận 2 thì phải có nguồn vốn ít nhất là trên dưới tỷ đồng. Vì vậy mà ngày càng có nhiều người đầu tư vào những lô đất “nhảy dù”.
Chị Hòa, một công chức ở Bình Dương lại chọn đất “xen kẹt” để mua, vì ở một số nơi có dự án đi qua còn để lại một khoảng đất không nằm trong đất dự án mà cũng không thuộc diện được quy hoạch đất ở nên giá bán khá “bèo”.
Cũng cùng tại một vị trí, nhưng giá của đất dự án là khoảng 2,6 triệu đồng/m2 thì giá đất xen kẹt chỉ khoảng 500.000-700.000 đồng/m2. Các lô đất này thường là không lớn, chỉ trên dưới 200m2, nhưng vẫn có lối lại thuận tiện. Theo sự tính toán của chị Hòa cho khoản đầu tư này thì, trong trường hợp gia đình không ở thì sẽ xây phòng trọ cho thuê, hàng tháng cũng có thêm một khoản.
Chuyển đổi quyền sử dụng đất không dễ
Ông Tạ Huy Hoàng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai khi được hỏi về việc có hay không việc hợp thức hóa đất “nhảy dù” trong các khu dân cư, đã cho biết: Tỉnh đã xét đến điều kiện của từng hộ gia đình khi thực hiện công tác xét duyệt đối với các trường hợp được hợp thức hóa thành đất ở. Những người đó đều có cuộc sống hết sức khó khăn và nơi họ đang sinh sống cũng đã tồn tại hơn 4-5 năm, đã hình thành nên tình làng xóm thì chính quyền phải thực hiện hợp thức hóa nơi ở cho để giúp giảm bớt sức ép lên đô thị.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 500.000 lao động, đó là chưa kể số người đi theo. Vì vậy, mục đích của việc hợp thức hóa các khu đất này là nhằm giải quyết vấn đề nơi ở cho các đối tượng này, còn trường hợp đầu cơ thì hoàn toàn không thể có. Hay với những trường hợp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng đã mua đất trong các khu đã quy hoạch nhưng không có chức năng nhà ở cũng sẽ không được hợp thức hóa, ông Hoàng cho biết thêm.
Người mua đất “nhảy dù” không chỉ gặp phải những khó khăn trong việc chuyển đổi quyền sử dụng đất mà còn vấp phải không ít những rủi ro và phiền toái khác. Chẳng hạn, khi thực hiện mua các lô đất ở phía trong, dù đã có sự cam kết của chủ đất là sẽ trừ đường đi rộng đến 12m, song, các hộ ở phía ngoài vẫn thản nhiên lấn ra đường. Nhưng do đây là đất không có pháp lý nên không thể nhờ tới sự can thiệp của chính quyền hay là kiện ra tòa án dân sự được.
Vẫn biết là có không ít rủi ro rình rập, song, không ít người quyết định đầu tư vào những lô đất nhảy dù như thế này, mà nguyên nhân chính vẫn là giá rẻ và cũng khá thuận tiện trong việc mua đi bán lại.
Theo chị Hương, chỉ cần bớt đi khoảng 3-5 triệu so với giá mua vào là có thể dễ dàng bán được ngay các lô đất này. Bởi cái lợi trước mắt nên dù là một khoản đầu tư khá bấp bênh, nhưng vẫn có nhiều người chấp nhận lao vào cuộc chơi đầy mạo hiểm này.