Tuy không phải là biểu tượng nổi bật nhất của Sài Gòn, nhưng việc Thương xá Tax bị phá bỏ để xây tòa nhà trung tâm thương mại 40 tầng đã để lại trong lòng người dân nơi đây không ít sự tiếc nuối cũng như những ý kiến trái chiều nhau.
Bàn luận về vấn đề này, phóng viên bất động sản đã có cuộc trao đổi với một chuyên gia có nhiều nghiên cứu về quản lý đô thị ở Tp.HCM, TS.Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư Trưởng Tp.HCM.
- Xin chào ông, xin ông cho biết việc Thương xá Tax bị phá bỏ để xây tòa nhà 40 tầng cũng như việc xây dựng những tòa nhà cao tầng tại khu vực Tân Cảng, Ba Son, và đặc biệt là sự thay đổi cả mô hình trung tâm liệu có ảnh hưởng đến bảo tồn cảnh quan kiến trúc TP?
Theo tôi, khi lập đồ án Quy hoạch chi tiết lõi trung tâm TP 930ha với sự tư vấn từ phía Nhật Bản, Công ty Nikken Sekkei, chắc chắn cảnh quan khu vực đã được người ta cân đối với mục đích tạo ra sự tráng lệ mới cho bộ mặt TP bên sông Sài Gòn.
|
TS.Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư Trưởng Tp.HCM. |
|
Dẫu biết vậy nhưng tôi vẫn cảm thấy có chút tiếc nuối về sự phá vỡ cảnh quan trên đường Nguyễn Huệ, trước tòa nhà UBND TP hiện hữu. Bởi vì trên đường Nguyễn Huệ có những tòa nhà thấp tầng vốn rất cân đối với khu Ủy ban đã được xếp hạng bảo tồn. Đặc biệt, tượng đài Bác Hồ trước cửa UBND TP đã tạo nên sự ấm cúng, gần gũi giữa vị Lãnh tụ với nhân dân. Việc thay bức tượng mới cũng như việc phá bỏ Thương xá Tax để xây dựng nhà cao 40 tầng có thể tạo sự tráng lệ hơn nhưng vô hình đã làm mất đi một phần dấu ấn đáng nhớ của Sài Gòn xưa.
- Vậy ông có đánh giá gì về việc những dự án lớn tại khu vực lịch sử như Tân Cảng, cảng Ba Son đã có chủ ạ?
Thiết nghĩ, khu vực này nhận được sự đầu tư lớn và ồ ạt đã khẳng định sự phát triển ngày càng mạnh của Tp.HCM. Đặc biệt, nếu những tòa nhà cao tầng mọc lên tại khu vực Ba Son, chắc chắn sẽ tạo được chiều sâu cho cảnh quan mới của một TP hiện đại.
- Ông có thể phân tích cụ thể hơn về trường hợp Thương xá Tax không ạ?
Có thể nói, Thương xá Tax là một công trình có giá trị lớn về bảo tồn, lịch sử. Trước khi dự án xây trung tâm thương mại 40 tầng thay thế cho Thương xá Tax được UBND TP phê duyệt thì đã có 2 trường phái: Trường phái xây mới để khai thác quỹ đất và trường phái bảo tồn. Cuối cùng, trường phái xây mới đã thắng.
Bởi theo lý thuyết phát triển đô thị theo giao thông công cộng, nơi nào giao thông thuận lợi, người ta sẽ phát triển tập trung bằng cách xây dựng nhà cao tầng có hệ số sử dụng đất cao. Thương xá Tax với vị trí nằm sát ga tàu điện ngầm, điều kiện giao thông hết sức thuận lợi nhưng mới chỉ cao 4 tầng, giả sử mật độ xây dựng 100% thì hệ số sử dụng đất mới là 4, hệ số này sẽ cao gấp 10 lần khi xây lên 40 tầng.
Tuy nhiên, theo cá nhân tôi nghĩ thì việc xây dựng mới này rất có thể chúng ta sẽ phải trả giá về tính hấp dẫn của TP. Đưa ra một giả thuyết, nếu vấn đề này còn được bàn luận thì theo tôi nên bảo tồn tòa nhà Thương xá Tax để đảm bảo cảnh quan khu vực trước cửa UBND TP, nên dịch chuyển việc xây dựng những tòa nhà cao tầng ra sát bờ sông Sài Gòn (cuối đường Nguyễn Huệ). Tiếc rằng, đây chỉ mãi là giả thuyết bởi dự án đã được phê duyệt thì không thể thay đổi.
Song vẫn còn một giải pháp khác là phá bỏ Thương xá Tax xây lại tòa nhà mới nhưng giữ nguyên kiến trúc mặt tiền 4 tầng thấp (khối đế) còn lõi phía sau xây cao. Với phương án này, hi vọng một chút hình ảnh của Thương xá Tax còn có thể giữ được. Còn nếu phá đi xây mới hoàn toàn sẽ mất hẳn dấu vết của trung tâm thương mại từng là biểu tượng của Sài Gòn.
Tôi cho rằng, đối với những công trình gắn liền với di tích, lịch sử thì bên cạnh việc xây mới chúng ta cũng cần chú trọng đến bảo tồn. Có cải tạo, có xây mới nhưng cố gắng làm sao phải giữ được cái hồn của đường xưa, phố cũ cùng với những câu chuyện lịch sử gắn liền với nó. Nếu cứ theo đà phá bỏ để xây dựng mới hoàn toàn như hiện nay, e rằng dáng vẻ Sài Gòn đang dần mất đi với mức báo động. Nếu không kịp thời nhìn lại và xem xét các dự án thì nguy cơ không còn nhìn thấy Sài Gòn xưa trong một vài năm nữa là rất cao.
- Xin cảm ơn ông!
TS Võ Kim Cương cho biết, đối với các công trình hiện hữu của TP, việc bảo tồn công trình có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc cũng như cảnh quan kiến trúc phải được coi trọng. TP đã có nhiều nghiên cứu và đã ban hành quy định quản lý về vấn đề này. Mâu thuẫn cơ bản ở đây là giữa bảo tồn và phát triển không dễ giải quyết.
|