Từ giá bình dân tới cao cấp, từ nhà giá rẻ tới căn hộ thông minh, hạng sang… đang dần tìm về tiêu chuẩn sống mới, một khái niệm được mổ xẻ dưới góc nhìn đa chiều của chuyên gia và doanh nghiệp.
Nhiều loại hình bất động sản (BĐS) có hội phát triển khi Chiến lược phát triển nhà ở, đô thị Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 kèm theo khung pháp lý ngày càng hoàn thiện. Từ giá bình dân tới cao cấp, từ nhà giá rẻ tới căn hộ thông minh, hạng sang… đang dần tìm về tiêu chuẩn sống mới, một khái niệm được mổ xẻ dưới góc nhìn đa chiều của chuyên gia và doanh nghiệp.
Nếu như ít năm trước đây, thị trường vẫn còn lạ lẫm với những khu đô thị xanh kiểu EcoPark (Văn Giang, Hưng Yên) hoặc Phú Mỹ Hưng (Tp.HCM) thì nay, những yếu tố về cảnh quan, tiện ích giá trị thụ hưởng/lợi nhuận đã được nhiều chủ đầu tư mạnh dạn áp dụng vào dự án, nhất là ở Tp.HCM và Hà Nội.
Góc nhìn từ quy hoạch đô thị
Chính sách vĩ mô mang tính 'xương sống' giúp định hướng thị trường nhà ở và BĐS điển hình là Chiến lược phát triển đô thị Việt Nam và phát triển nhà ở đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, với tỷ lệ đô thị hóa năm 2020 đạt 45% (khoảng 45 triệu người) Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ đô thị hóa nhanh nhất Đông Nam Á.
Trong khi đó, Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, quá trình đô thị hóa nhanh tập trung ở 2 đô thị, đặc biệt là Tp.HCM và Hà Nội. Hai đô thị này cũng ghi nhận tỷ lệ nhà ở chung cư tập trung chủ yếu.
Cụ thể, tại Hà Nội, những tổ hợp nhà chung cư trong khu vực nội đô lịch sử được xây dựng trên cơ sở khai thác quỹ đất di dời các xí nghiệp sản xuất, bến bãi, kho tàng, các quỹ đất xen kẹt trong các khu dân cư.
Hà Nội đã có 10.000 căn hộ mở bán trong quý I/2016, tăng 13% so quý IV/2015 (trung cấp chiếm 50%, phân khúc bình dân chiếm 45%). Nguồn cung lớn hình thành từ thời gian 2015 gồm các dự án Gold Mark City (Bắc Từ Liêm); dự án Sun Square (Nam Từ Liêm); FLC Twin Tower (Cầu Giấy); Tràng An Complex (Cầu Giấy); Gold Silk (Hà Đông)…
Mang yếu tố 'xanh' hoặc sinh thái có thể kể tới một số dự án nằm rải rác ở ngoại ô như An Khánh, Ecopark, Gamuda Yên Sở. Dòng siêu cao cấp (đánh giá dựa trên hàng loạt tiêu chí hỗn hợp) là các dự án có vị trí đắc địa như Vinhome Nguyễn Chí Thanh, Vinhome Bà Triệu hoặc đang lập dự án tại khu đất Kim Mã - Liễu Giai, Trung tâm Triển lãm Giảng Võ,...
Còn tại Tp.HCM, theo Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, do quỹ đất rất hiếm nên xây dựng chung cư tại địa bàn này là lối thoát cho TP. Với tiềm năng thu hút đầu tư mạnh nhất Đông Nam Á, thị trường Tp.HCM chứng kiến hàng loạt dự án trung cấp, cao cấp của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước như Novaland, Keppel Land, Đại Quang Minh, SonKimLand, Hoàng Quân, Sun Group,...
Hiện nay, phân khúc từ bình dân tới cao cấp, từ nhà giá rẻ tới căn hộ siêu
cao cấp... đang dần tìm về tiêu chuẩn sống mới.
Thực tế vận dụng của doanh nghiệp
Từ khá lâu, xu hướng 'xanh và thông minh' đã du nhập vào thị trường Việt Nam, tuy nhiên chỉ số ít doanh nghiệp dám đeo đuổi đầu tư và áp dụng mô hình này vào các sản phẩm dự án.
Một trường hợp khá thức thời và bước đầu thành công với xu hướng xanh, thông minh trong hai năm gần nhất là Vingroup với một số dự án như Vinhomes Times City Park Hill (70% diện tích cho mảng xanh và tiện ích) hay Vinhomes Gardenia (gần 70% diện tích cho công viên, các mảng xanh và tiện ích hạ tầng);...
Trước đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng, hiện hàng loạt công trình nhà ở và các khu đô thị với quy hoạch chú trọng hơn về môi trường sống, về không gian công cộng và hạ tầng xã hội (phòng khám, bệnh viện, trường học...) đã và đang được xây dựng trên cả nước.
Công ty Savills dẫn mô hình khu đô thị phức hợp (từng thành công trên thế giới) được coi là phù hợp với tiêu chuẩn sống mới mà thị trường BĐS trong nước đang hướng tới. Khu đô thị phức hợp được xây dựng tập trung theo dự án và đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn chỉnh, gồm nhiều tiện ích và tiêu chuẩn sống đi kèm.
Do bất cập về xây dựng và quản lý, tại thị trường Việt Nam, số lượng các khu đô thị phức hợp đạt chuẩn vẫn khá khiêm tốn.