Toàn TP. Đà Nẵng có 90 cơ sở lưu trú mới với 6.712 phòng trong 6 tháng đầu năm 2019. Theo thông tin từ lãnh đạo Sở Xây dựng, thành phố đã đưa ra chiến lược để nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng với tốc độ phát triển nhanh chóng của bất động sản tại địa phương.
Sở Du lịch Đà Nẵng đã có báo cáo về kết quả hoạt động du lịch trong 6 tháng đầu năm của thành phố vào ngày 25/6 vừa qua.
Theo đó, toàn thành phố có tất cả 793 cơ sở lưu trú du lịch với 35.881 phòng trong 6 tháng đầu năm 2019, tăng 90 cơ sở với 6.712 phòng so với năm trước.
Trong đó, khách sạn quy mô 1-3 sao và tương đương chiếm tỷ lệ lớn nhất với gần 650 cơ sở. Có hơn 80 khách sạn quy mô 4-5 sao và tương đương, biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp, biệt thự - căn hộ đạt chuẩn, bãi cắm trại - nhà nghỉ có phòng cho thuê đạt chuẩn chiếm số còn lại.
|
Dọc tuyến đường biển Đà Nẵng đang xuất hiện dày đặc các cơ sở lưu trú. |
Qua quan sát, từ 3 năm trở lại đây, các cơ sở lưu trú đua nhau mọc san sát trên các tuyến đường ven biển như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Sa, Trường Sa, Hồ Nghinh, Nguyễn Văn Thoại… thuộc địa phận 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.
Trong 6 tháng đầu năm, lượng khách du lịch quốc tế đến Đà Nẵng qua đường hàng không ước đạt gần 1,5 triệu lượt, tăng 45,8% theo năm. Thành phố hiện có 31 đường bay quốc tế tần suất 419 chuyến/tuần và 11 đường bay nội địa.
Ông Thái Ngọc Trung – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết, hạ tầng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng các cơ sở lưu trú khu vực ven biển của địa phương. Tuy nhiên, thành phố đã kịp đưa ra chiến lược về lâu dài nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng để phù hợp với sự phát triển này.
|
Có thêm gần 7.000 phòng khách sạn mới tại Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2019. |
Vị Phó Giám đốc Sở Xây dựng thông tin thêm: “Đương nhiên xây dựng nhiều phải ảnh hưởng đến hạ tầng như giao thông hay vấn đề an ninh trật tự, nước sinh hoạt… nhưng mình phải sắp xếp lại và đối diện với vấn đề đó. Thành phố đã có chiến lược như bổ sung cống thoát nước, tổ chức phân làn giao thông… để đáp ứng nhu cầu”.
Cụ thể, thành phố đã đầu tư hơn 200 triệu USD từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng ven biển như cải thiện hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, cải thiện đường giao thông chiến lược trong đô thị…
Ông Trung nói: “Việc tăng khách sạn thành phố phải nâng cấp hạ tầng để đáp ứng. Còn các cơ sở lưu trú đầu tư vào sẽ nâng GDP của thành phố, vốn đầu tư xã hội thường nhiều hơn ngân sách”.
Condotel Đà Nẵng giảm sâu
Theo báo cáo thị trường bất động sản Đà Nẵng mới được DKRA Việt Nam công bố gần đây, thị trường bất động sản Đà Nẵng đã có dấu hiệu giảm nhiệt ở hầu hết các phân khúc, trừ đất nền từ cuối năm 2017 đến nay.
Riêng loại hình condotel (căn hộ khách sạn), Đà Nẵng đã có khoảng 9.890 sản phẩm đến từ 12 dự án chỉ trong vòng 3 năm (2016-2018), sức tiêu thụ đạt 75%. Song, lượng tiêu thụ condotel bắt đầu sụt giảm mạnh kể từ giữa năm 2018 đến tháng 6/2019.
Savills Việt Nam nhận định, trong năm 2018, tốc độ phát triển của thị trường condotel đã chậm lại đáng kể, nguyên nhân chính là do sự tác động từ yếu tố pháp lý.
Hàng loạt khách sạn cao cấp vi phạm xả thải ra biển
Ngày 12/5, đã có 13 khách sạn tại Đà Nẵng bị Sở Tài Nguyên & Môi trường TP ra văn bản đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện xử phạt vì vi phạm về việc xử lý nước thải không đạt chuẩn cho phép và xả thải ra môi trường.
Trong đó, các khách sạn bị đề nghị xử phạt về nước thải gồm có: khách sạn Balcona Đà Nẵng, TMS Luxury, Risemount Premier Đà Nẵng, Parosand Đà Nẵng, Paris DeliLuxtery, Sea Castle 2, Lê Hoàng, Hùng Anh, Zentimeter, Parze Ocean, Misa, Sea Front.
Cùng với đó, Sở Tài nguyên & Môi trường cũng đã đề nghị UBND TP. Đà Nẵng thực hiện chỉ đạo Sở Xây dựng và UBND các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn xem xét, xử lý hàng loạt trường hợp vi phạm về cấp phép xây dựng. Đáng lưu ý nhất là 4 khách sạn đã tự ý tăng thêm phòng lưu trú gồm: khách sạn Golden Star, tăng từ 49 lên thành 60 phòng; Aria Grand Hotel tăng từ 40 lên 73 phòng; Aria tăng từ 48 lên thành 69 phòng; Queen’s Finger Hotel tăng từ 49 lên thành 54 phòng.
|