Giá bất động sản khu trung tâm TP. Đà Lạt biến động mạnh, cao gấp nhiều lần so với năm 2018 sau khi quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu trung tâm Hòa Bình được tỉnh Lâm Đồng phê duyệt với tỷ lệ 1/500.
Khảo sát cho thấy, giá bất động sản tăng mạnh nhất trên đường Lê Đại Hành, Phan Bội Châu, Ba Tháng Hai, Tăng Bạt Hổ, Trương Công Định. Tọa lạc trên đường Nguyễn Chí Thanh, một căn nhà diện tích 110m2 được rao bán với giá 150 triệu đồng/m2 (17 tỷ đồng/căn). Một ngôi nhà khác trên đường Phan Như Thạch rộng 76m2 có giá 13,5 tỷ đồng, tức 177,6 triệu đồng/m2.
|
Bất động sản gần trung tâm TP. Đà Lạt được rao bán với giá xấp xỉ 200 triệu đồng/m2. |
Trong khi đó, khách sạn trên đường Phan Bội Châu rộng 153m2 được rao bán trên một kênh mua bán nhà đất với giá hơn 240 triệu đồng/m2 (37 tỷ đồng). Giá rao bán một khu đất mặt tiền đường Phan Như Thạch rộng 46m2 là 11 tỷ đồng, tương đương 230 triệu đồng/m2.
Tại khu vực trung tâm TP. Đà Lạt, ngôi nhà hẻm xe máy có giá 40 triệu đồng/m2. Thị trường nhà đất nơi đây bị xáo trộn, nhiễu loạn bởi các trường hợp rao bán miệng với giá dao động từ 500-700 triệu đồng/m2.
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, ông Lê Quang Trung cho biết, giá bất động sản trung tâm TP. Đà Lạt gần như đã lên đến ngưỡng trong năm 2018. Tuy nhiên, đề án thiết kế đô thị trung tâm mới được phê duyệt đã khiến giá đất nơi đây tiếp tục tăng lên.
|
Giá bán bất động sản khu trung tâm TP. Đà Lạt cao gấp nhiều lần năm 2018. |
Nội dung đề án nêu rõ, ngoài việc di dời một số khách sạn lớn, dãy ki-ốt dẫn vào chợ ở khu trung tâm TP. Đà Lạt, chính quyền địa phương cũng sẽ giải tỏa khu dân cư bên phải (khoảng 100 hộ) đường Phan Bội Châu (từ cầu thang chợ Đà Lạt tới khu chợ đồ cũ) để làm đường đi, công viên. Để xây trung tâm thương mại, rạp hát Hòa Bình và dãy nhà cũ phía bên xe Tùng Nghĩa cũng được giải tỏa.
Nhiều người cho rằng, để di dời số lượng mặt bằng lớn như trên sẽ cần nguồn vốn rất lớn. Theo Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng, tỉnh sẽ mời gọi các nhà đầu tư vào triển khai dự án.