Nguồn cung mới chậm đưa vào sử dụng trong khi nhu cầu thuê cao là lý do chính khiến giá thuê các trung tâm thương mại bán lẻ và văn phòng tại TP.HCM cao hơn hẳn so với thị trường Hà Nội.
Giá thuê văn phòng tại TP.HCM cao hơn 60% so với Hà Nội
Theo một báo cáo mới đây của JLL Việt Nam, giá thuê văn phòng tại TP.HCM cao hơn thị trường Hà Nội tới 60%. Cụ thể, so với TP.HCM, tổng giá thuê văn phòng toàn thị trường Hà Nội thấp hơn khá nhiều dù tỷ lệ tăng giá thuê cao hơn. Trong quý 2/2019, giá thuê văn phòng TP.HCM tăng thêm 2,5% và Hà Nội tăng 3,9% so với quý liền trước. Vậy nhưng, tổng giá thuê thuần của TP.HCM là 28,5 USD/m2, trong khi Hà Nội chỉ ở mức 17,7 USD/m2. Nguyên nhân chính dẫn tới sự chênh lệch này là do nhu cầu thuê tại Hà Nội thấp hơn TP.HCM. Với nhu cầu thuê cao, tỷ lệ lấp đầy tại TP.HCM đạt hơn 97% dù thị trường có thêm 7 tòa nhà mới chào thuê. Còn tại Hà Nội, tuy chỉ có thêm 2 dự án mới nhưng tỷ lệ lấp đầy giảm nhẹ, đạt mức 92%.
Tỷ lệ văn phòng trống tại TP.HCM chưa tới 3%, trong khi diện tích thuê trống ở Hà Nội khoảng 8%. Có thể nói, tại thị trường TP.HCM, khách thuê hoặc phải đổi phương án thuê hoặc phải chấp nhận việc tăng giá.
|
Giá thuê văn phòng tại TP.HCM tăng do khan hiếm nguồn cung.
(Ảnh minh họa) |
Xu hướng dịch chuyển nguồn cầu ra khu vực ngoài trung tâm được xem là điểm đáng chú ý của thị trường văn phòng. Theo đó, thay vì khu Hoàn Kiếm, các quận Đống Đa, Ba Đình ngày càng hút khách thuê hơn. Khách thuê tại TP.HCM cũng dịch chuyển mạnh ra khu Tân Bình và Phú Mỹ Hưng (quận 7).
Tuy nhiên, người thuê không dễ dàng tìm được diện tích văn phòng với chi phí phù hợp dù thị trường TP.HCM đang rất phát triển với các mục tiêu thương mại đa dạng. Nguồn cung tham gia thị trường cũng ngày càng có hạn do tiến độ xây dựng của nhiều dự án tương lai không đảm bảo. Do đó, theo dự báo, giá thuê văn phòng sẽ tiếp tục giữ mức ổn định, có thể gia tăng trong những quý tiếp theo.
Giá thuê mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM cao hơn Hà Nội 45%
So với cùng kỳ năm ngoái, giá thuê mặt bằng bán lẻ TP.HCM giảm tới 2,7%. Trong khi đó, tại Hà Nội, giá thuê mặt bằng bán lẻ tăng thêm 2,1% so với cùng kỳ. Thế nhưng, tổng giá thuê gộp mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM vẫn cao hơn 45% so với thị trường Hà Nội.
Minh chứng là, giá chào thuê tại Hà Nội ở mức 29,3 USD/m2, còn TP.HCM lên tới 45 USD/m2. Trong quý này, nhu cầu thuê tại TP.HCM vẫn tiếp tục ổn định và các trung tâm thương mại có tỷ lệ lấp đầy đạt trên 95%. Đặc biệt, hiệu suất hoạt động của một số trung tâm cải thiện đáng kể sau khi nâng cấp, cải tạo với diện mạo mới và danh mục khách thuê được định vị hiệu quả hơn trước. Đáng chú ý, khách thuê quốc tế đến từ các ngành giải trí, F&B, chuỗi cửa hàng cafe, chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe tiếp tục gia tăng thị phần.
|
Các trung tâm thương mại tại TP.HCM có tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 95%. |
Theo dự kiến, thị trường bán lẻ tại TP.HCM trong 6 tháng cuối năm sẽ đón nhận thêm 110.400m2 đến từ ba dự án khu ngoài trung tâm. Ngoài ngành hàng giải trí, F&B, thời trang, các ngành hàng giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cửa hàng trưng bày cũng góp phần quan trọng trong việc cải thiện công suất hoạt động của các trung tâm thương mại tại TP.HCM.
Bộ KH&ĐT thông tin, có khoảng 67.000 doanh nghiệp mới thành lập trong 2 quý đầu năm 2019. Trong quý 2 vừa qua có 38.500 doanh nghiệp mới thành lập. Con số này so với cùng kỳ năm ngoái tăng 30,8% về vốn đăng ký và tăng 2% về lượng doanh nghiệp. So với năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt mức tăng trưởng 11,5%.
Không chỉ tạo động lực cho nhiều doanh nghiệp mới ra đời, những yếu tố như kinh tế ổn định, chính sách và môi trường kinh doanh được cải thiện còn đẩy giá thuê văn phòng lẫn mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM, Hà Nội gia tăng. Hiện tại, thị trường văn phòng, bán lẻ Việt Nam được đánh giá là sân chơi chủ đạo của doanh nghiệp trong nước. Thế nhưng, khối ngoại đang tích cực rót vốn vào Việt Nam bởi ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và Hiệp định EVFTA. Chủ đầu tư tăng giá thuê liên tục, đồng thời giữ được vị thế trong thương lượng khi nguồn cung khan hiếm, nguồn cầu không ngừng gia tăng. Thời gian tới, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều dư dịa tăng trưởng mạnh.