Theo đánh giá của đại diện Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản (BĐS) năm 2016 khá sôi động nhưng về lượng giao dịch có xu hướng giảm so với năm 2015.
Sáng ngày 16/12/2016, tại Hội nghị Đánh giá thị trường giao dịch BĐS 2016, xu thế 2017, Trưởng phòng Quản lý thị trường BĐS, Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), ông Phạm Văn Thường nhận định, năm 2016 thị trường tiếp tục đà phục hồi của năm 2015, giao dịch tương đối ổn định nhưng xu hướng giảm so với năm 2015.
Thị trường BĐS năm 2016 tiếp đà phục hồi của năm 2015, giao dịch tương
đối ổn định nhưng xu hướng giảm. (Ảnh minh họa: H.Anh).
Về giao dịch, năm 2016 ước tính có khoảng 14.000 giao dịch thành công tại Hà Nội, giao dịch tại Tp.HCM cũng đạt số lượng tương tự. Tuy nhiên, so với năm 2015, lượng giao dịch này giảm. Tại Hà Nội, nguồn cung căn hộ chủ yếu ở khu vực phía Tây, tập trung ở dự án trung-cao cấp, rất ít dự án nhà giá rẻ. Trong năm nay, giá nhà ở không có nhiều biến động, giá tăng nhẹ tại một số dự án lớn và chuẩn bị bàn giao nhà.
Ông Thường cho biết, lượng tồn kho BĐS đều giảm ở cả Hà Nội và Tp.HCM, dư nợ tín dụng xu hướng tăng, nhất là ở các dự án có vị trí tốt thuộc phân khúc nhà giá rẻ, căn hộ trung-cao cấp.
Đại diện Bộ Xây dựng đánh giá, nguồn cung nhà ở cao cấp hiện đang dư thừa, trong khi thiếu nguồn cung nhà giá rẻ, nhà bình dân và nhà ở xã hội. Từ đầu năm 2016 đến nay, lượng căn hộ nhà ở chào bán tại thị trường Hà Nội và Tp.HCM chủ yếu là nhà cao cấp, trung cấp. Trong khi đó, lượng nhà ở xã hội chào bán mới chưa có, khách hàng cũng không có điều kiện mua vì tín dụng cho nhà xã hội chưa được nối tiếp.
Theo ông Phạm Văn Thường, một số điểm đáng lưu ý trên thị trường là phân khúc BĐS nghỉ dưỡng phát triển mạnh về lượng dự án, báo động thị trường nghỉ dưỡng sẽ dư thừa nguồn cung. Mặt khác, thông tin về thị trường chưa đầy đủ, minh bạch, chưa thống nhất, thậm chí ngay trong hệ thống phân phối cũng có sai lệch thông tin. Nguồn vốn cho BĐS chủ yếu vẫn từ nguồn vốn ngân hàng và người dân là chính, thiếu các kênh vốn khác.