Savills cho biết, khách hàng mua BĐS nghỉ dưỡng là người trong nước chiếm đến 75-80%, chủ yếu là người nhà giàu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM.
BĐS nghỉ dưỡng được "kích hoạt" nhờ kinh tế, du lịch
Sự phát triển của kinh tế, nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống của giới nhà giàu tăng lên giúp ngành du lịch tăng trưởng cao và thu hút được nguồn đầu tư mới... được cho là những yếu tố chính tác động đến thị trường bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng.
Nhu cầu về BĐS nghỉ dưỡng ven biển được kích thích nhờ sự tăng trưởng của kinh tế
và thu nhập của người dân.
Sự tăng trưởng tốt của ngành du lịch cũng là nhân tố thúc đẩy sự "lên ngôi" của
thị trường BĐS nghỉ dưỡng.
Sự phong phú, đa dạng về danh lam, thắng cảnh và những bãi biển đẹp trải dài trên khắp đất nước đã và đang “hút” được sự đầu tư của nhiều thương hiệu lớn trong việc phát triển ngành nghỉ dưỡng cao cấp như Vinpearl, Indochina Land, VinaLiving hay Furama,…
Lượng khách du lịch đến với Việt Nam vẫn chưa thực sự ổn định.
Song, so với một số nơi thuộc khu vực Đông Nam Á như Phuket, Bali hay Sentosa Cove thì quy mô của thị trường nghỉ dưỡng ven biển Việt Nam vẫn còn kém xa. Ở Phuket hay Bali, mỗi căn biệt thự ven biển có giá lên đến 15 triệu USD, trong khi đó, tại Đà Nẵng, mức giá này mới chỉ ở khoảng 2,5 triệu USD, Peter Ryder, CEO của Indochina Land cho biết.
Ông MatthewPowell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận xét: Sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam khi có nhà đầu tư quốc tế vào ngày càng có chất lượng tốt hơn nhờ đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Mức giá hợp lý và giá trị nguồn hàng tốt là điểm quan trọng nhất tạo nên sức cạnh tranh cho BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam với các nước trong khu vực.
Một kênh đầu tư sáng giá?
Điều này phải chăng là lý do tạo nên sự tăng nhiệt của phân khúc biệt thự hạng sang tại một số địa phương trong thời gian gần đây. Từ đầu năm đến nay, thị trường đã chứng kiến những sự kiện mở bán các biệt thự ven biển nằm trong chuỗi sản phẩm Vinpearl Premium với 3 dự án tại Phú Quốc, Nha Trang và Đà Nẵng, cung cấp thêm cho thị trường 847 căn biệt thự. Mỗi căn biệt thự này có giá chào bán trung bình lên đến khoảng 1 triệu USD và có hàng trăm căn đã được tiêu thụ, theo Vingroup.
Bên cạnh Vinpearl, nhiều dự án nghỉ dưỡng ven biển khác cũng đã khởi động rao bán các căn biệt thự ra thị trường, đơn cử CEO Group với Sonasea Villas & Resorts Phú Quốc, Diamond Bay Resort II ở Nha Trang, FLC Group với 1.000 căn biệt thự tại Sầm Sơn Beach & Golf Resort, Savills với 34 căn biệt thự Naman Residences ở Đà Nẵng…
TS Võ Trí Thành nhận định: Hiện bất động sản đang là kênh đầu tư sáng giá nhất trong các loại tài sản tài chính. Thanh khoản của thị trường này đang có xu hướng tăng, trong đó, 30-40% sản phẩm được mua với mục đích đầu cơ, đầu tư. Đầu cơ không xấu, thậm chí, còn tốt, nhưng sẽ có tác dụng ngược nếu đầu cơ quá đà. Khi rót tiền vào BĐS nghỉ dưỡng, nhà đầu tư không những chỉ mong muốn thu được lợi nhuận từ việc cho thuê, mà còn kỳ vọng vào sự tăng giá của sản phẩm.
Cũng vì tiềm năng tăng giá này mà bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp tại khu vực Đông Nam Á đang thu hút được sự quan tâm khá lớn từ các nhà đầu tư siêu giàu ở châu Á, châu Âu và cả Bắc Mỹ, thông tin từ cuộc khảo sát có tên The Global Luxury Residential Real Estate Report 2015 được thực hiện mới đây của Tạp chí Welth – X (Singapore). Mức giá của loại hình bất động sản này ở đây rất phải chăng, nhưng chưa thực sự tạo được sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư vì thiếu sự ổn định về lượng khách du lịch, tuy nhiên, một khi môi trường kinh doanh trở nên minh bạch hơn thì chắc chắn điều này sẽ được thay đổi.
Vì thế, BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tương đối lớn khi BĐS được các nhà đầu tư xem là lựa chọn tốt hơn cả vàng, chứng khoán hay gửi tiền ngân hàng khi trải qua những biến động kinh tế vĩ mô trong thời gian qua.