Bộ phận cho thuê thương mại Savills Việt Nam cho biết, năm 2016, do hạn chế về nguồn cung văn phòng khu vực trung tâm Hà Nội nên tỷ lệ lấp đầy của khu vực này khá cao, khoảng 85-95%.
Chính vì thế, khách hàng có nhu cầu mở văn phòng đại diện buộc phải lựa chọn các phương án thay thế như khu vực cận trung tâm hoặc phía Tây Hà Nội.
Thực tế cho thấy, văn phòng khu vực trung tâm luôn được săn đón, nhu cầu chủ yếu đến từ khách thuê quỹ đầu tư, ngân hàng, đơn vị nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, luật như WB, IMF, ADB, ANZ, HSBC, Citibank và Hong Leong Bank.
Tại thị trường văn phòng Hà Nội, quận Hoàn Kiếm là nơi tập trung nhiều trụ sở các bộ, ban, ngành trung ương, trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao và các tiện ích hiện đại khác. Do đó, việc đặt văn phòng tại đây không chỉ mang lại sự thuận tiện trong giao dịch mà còn góp phần khẳng định thương hiệu của các tổ chức, tập đoàn trong mắt khách hàng lẫn đối tác.
Tại thị trường Hà Nội, giá văn phòng khu trung tâm luôn ở mức cao nhất.
Theo đại diện của Savills Việt Nam, với quy mô, mức độ xây dựng và hoàn thiện cao, giá văn phòng khu trung tâm luôn ở mức cao nhất TP Hà Nội, nhưng tỷ lệ khách thuê vẫn luôn đạt ở mức cao. Những khách hàng có tiềm lực tài chính mạnh sẵn sàng trả 30-40 USD/m2 cho văn phòng hạng A và 20-30 USD/m2 cho văn phòng hạng B (chưa gồm thuế và dịch vụ).
Thế nhưng, với tỷ lệ lấp đầy luôn ở mức 85-95% ở các tòa văn phòng hạng A được xây dựng và phát triển từ 5-10 năm trước thì việc thiếu nguồn cung văn phòng tại khu vực trung tâm sẽ là một trở ngại đối với các khách hàng mới muốn đặt văn phòng tại đây. Yếu điểm khách quan tại các tòa nhà này là quỹ đất hạn chế khiến diện tích thuê bị giới hạn. Việc tìm kiếm sẽ dễ dàng hơn với các diện tích từ dưới 100 đến 500m2, khó nhất là nhu cầu lên đến hàng nghìn m2. Vậy nên, để có được mặt bằng thuê lên đến con số hàng nghìn m2, khách thuê buộc phải thuê nhiều sàn cùng một lúc hoặc phải có phương án thay thế khả thi hơn.
Thị trường văn phòng khu vực phía Tây Hà Nội năm 2016 được nhắc đến nhiều với ưu thế cạnh tranh về diện tích mặt sàn lớn, giá thuê hợp lý, chất lượng ổn định. Một số dự án văn phòng thuộc khu vực phía Tây như Keangnam (Phạm Hùng), PVI Tower (Phạm Văn Bạch), Charmvit (Trần Duy Hưng), Toyota Mỹ Đình (Phạm Hùng) là điểm đến hợp lý với nhiều công ty trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử. Bởi lẽ, tại đây cũng đã hình thành một cộng đồng doanh nghiệp về điện tử, viễn thông, tạo thuận lợi cho việc giao dịch, kinh doanh đối với các doanh nghiệp này.
Trong trường hợp khách thuê đang khó khăn trong việc tìm kiếm các mặt bằng văn phòng hợp lý cho công việc kinh doanh mà không muốn di chuyển quá xa xuống phía Tây thì văn phòng khu vực cận trung tâm có thể coi là điểm trung chuyển lý tưởng, do nằm ở giữa trung tâm thương mại tài chính lớn là quận Hoàn Kiếm và các quận mới phía Tây như Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm. Mặt khác, hạ tầng giao thông phát triển, tập trung nhiều tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước cũng giúp việc kết nối với đối tác thuận tiện hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.
Theo thông tin từ Savills Việt Nam, giá thuê văn phòng hạng A quận Ba Đình dao động trong khoảng 26-32 USD/m2, văn phòng hạng B 15 - 25 USD/m2. Với lợi thế quỹ đất, trong cùng một tòa nhà khu vực này còn tích hợp nhiều dịch vụ như mua sắm thương mại, nhà hàng, dịch v là một điểm cộng so với văn phòng tại trung tâm. Các chính sách ưu đãi linh hoạt về giá thuê, tiện ích cung cấp cộng với nguồn cung lớn, chủ đầu tư các tòa văn phòng khu vực cận trung tâm có thể dễ dàng thu hút một lượng lớn khách thuê, giúp giảm bớt áp lực nguồn cung với khu vực trung tâm.
Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Việt Nam dự báo, thị trường sẽ có thêm khoảng 180.000m2 văn phòng cho thuê từ 7 dự án trong năm 2017. Do quỹ đất ở khu vực trung tâm hạn chế nên không có dự án mới nào được dự kiến trong giai đoạn 2016-2018. Một khảo sát của Tập đoàn PriceWaterhouseCoopers được thực hiện vào cuối tháng trước đã chỉ ra rằng, bên cạnh Singapore và Philippines, Việt Nam đang là một địa điểm hấp dẫn các CEO APEC, khi mà một nửa các CEO tham gia khảo sát cho biết họ dự định đầu tư thêm vào các nền kinh tế này trong năm tới.
Cùng với đó, từ giữa năm 2016 đến nay, các báo cáo của những định chế tài chính lớn tại Việt Nam như IMF, ADB, gần đây nhất là WB đều chung nhận định lạc quan về nền kinh tế hơn 90 triệu dân với mức tăng trưởng trong khoảng 6,2 - 6,3%. Như vậy, với những lợi thế về chính trị, nguồn nhân lực, vị trí địa lý, thay đổi chính sách, dòng vốn nước ngoài vào thị trường Việt Nam vẫn khá dồi dào và ổn định, nhất là thị trường bất động sản.
Nền kinh tế Việt Nam diễn biến tích cực sẽ khiến các công ty nước ngoài quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam, gia tăng nhu cầu văn phòng tại đây. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ các sản phẩm văn phòng phải ưu việt hơn, đáp ứng yêu cầu chuyên nghiệp, hiện đại hơn từ các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn.