Thủ tục pháp lý kéo dài, dự án chậm triển khai dẫn đến nguồn cung khan hiếm, không có hàng bán, nợ nần bủa vây... Trong bối cảnh đó, để duy trì bộ máy công ty, các doanh nghiệp bất động sản buộc phải giảm lợi nhuận, doanh thu, thậm chí là bán tài sản.
Theo lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc có trụ sở tại Bình Thạnh (TP.HCM), công ty dự kiến hoàn tất thủ tục pháp lý 2 dự án để ký hợp đồng với khách hàng trong 10 tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, cả hai dự án đều bị chậm tiến độ. Công ty buộc phải xin lỗi khách hàng khi dự án lùi thời gian ra hợp đồng tới giữa năm 2020. Trong trường hợp này, công ty không thể thu thêm tiền của khách hàng, tắc nghẽn cục bộ dòng tiền năm 2019.
Vị này cho hay: "Chúng tôi phải đổi kế hoạch kinh doanh năm 2019 từ mức lãi hàng chục tỷ sang mức khiêm tốn hơn, giảm khoảng 65% lợi nhuận, và dòng tiền thu về chủ yếu do bán tài sản khác".
Có trụ sở tại quận 3, một doanh nghiệp địa ốc đã niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM gặp nhiều khó khăn hơn. Công ty không có dự án nào được đưa ra thị trường trong 10 tháng qua nền tiền mặt bị thiếu hụt. Dòng vốn của doanh nghiệp ứ động khi tất cả các thủ tục pháp lý dự án đều chậm trễ.
Để duy trì bộ máy, công ty phải bán bớt cổ phần của các doanh nghiệp thành viên và nhờ vay tài sản của cá nhân lãnh đạo. Lãnh đạo công ty chia sẻ: "Khó khăn có thể kéo dài nên trong thời gian tới chúng tôi sẽ còn tiếp tục bán cổ phần ở một số công ty thành viên".
Đặc biệt, khi dịch chuyển khỏi TP.HCM - thị trường chủ lực, doanh nghiệp bất động sản cũng không dễ dàng tiếp cận "kịch bản màu hồng". Ví dụ, vào năm ngoái, một doanh nghiệp địa ốc có trụ sở tại quận 1 đã mua quỹ đất tại TP. Nha Trang và vay ngân hàng để làm dự án, hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Công ty hàng tháng phải trả lãi hơn 10 tỷ đồng. Khác với kỳ vọng sớm đưa dự án ra thị trường, thủ tục pháp lý thực tế bị đình trệ, kéo dài. Hiện công ty vẫn chưa có hàng để bán trong khi tổng tiền lãi đã trả trong gần 2 năm lên tới hàng trăm tỷ đồng.
|
Nhiều doanh nghiệp bất động sản buộc phải chỉ tiêu kinh doanh khi không có hàng để bán, pháp lý dự án kéo dài... (Ảnh: Trần Quỳnh) |
Bên cạnh đó, các đơn vị môi giới địa ốc cũng gặp không ít khó khăn. Trong bối cảnh nguồn hàng khan hiếm cộng với tâm lý hoài nghi của khách hàng sau nhiều vụ lừa đảo bán đất thời gian qua, các công ty thuần túy phân phối bất động sản phải chật vật để duy trì bộ máy.
Theo CEO công ty môi giới địa ốc quy mô 300 nhân viên, trong 10 tháng đầu năm nay, lượng dự án cũng như sản phẩm đơn vị nhận phân phối đều sụt giảm 80% so với cùng kỳ năm 2018. Công ty hiện chỉ phân phối nhà đất ven biển. So với những năm 2017 - 2018, nguồn hàng tại TP.HCM chỉ bằng khoảng 10%.
Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Bất động sản Ngọc Châu Á, ông Nguyễn Lộc Hạnh nhận định, đối với các chủ đầu tư cũng như sàn phân phối, giai đoạn thị trường giảm tốc là phép thử cam go. Tình trạng này cũng tác động nhất định tới từng nhân sự, môi giới làm trong lĩnh vực bất động sản.
Ông Hạnh cho rằng, lợi nhuận, doanh thu của ngành bất động sản nói chung có thể giảm trung bình 50%. Thậm chí, có nhiều trường hợp giảm tới 65-70%. Các công ty địa ốc vì thế phải thay đổi kế hoạch tiếp cận thị trường.
Sau 3 năm phát triển mạnh mẽ, thị trường nhà đất đang bước vào giai đoạn trầm lắng. Trong thời gian tới, xu hướng này có thể mạnh dần lên. Đối với các doanh nghiệp bất động sản, pháp lý đình trệ, bế tắc về tài chính, lãi vay và bộ máy công ty cồng kềnh trong khi không có doanh thu được xem là tử huyệt.
Theo ông Hạnh, trong bối cảnh giảm tốc, thị trường sẽ thanh lọc các doanh nghiệp địa ốc. Nếu tình trạng kinh doanh kém hiệu quả kéo dài thì doanh nghiệp có thể phải tạm dừng kinh doanh, thậm chí đối mặt nguy cơ phá sản.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, nguồn cung bất động sản (nhất là nhà ở) TP.HCM trong 2 năm 2018 - 2019 sụt giảm kỷ lục. Do bị dừng triển khai hoặc chưa thực hiện được thủ tục đầu tư xây dựng nên nhiều dự án nhà ở rơi vào trạng thái "bất động".
Những xung đột, vướng mắc của một số quy phạm pháp luật và công tác thực thi pháp luật được cho là nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên. Thị trường có thể sẽ tiếp tục xu hướng sụt giảm quy mô nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả.
Theo dự báo của HoREA, đà giảm tốc của thị trường địa ốc có thể dẫn tới hệ quả một số doanh nghiệp địa ốc gặp khó, đối mặt nguy cơ phá sản. Khi giá nhà ngày càng tăng cao, người mua nhà cuối cùng sẽ phải chịu thiệt nhiều nhất và khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở.