Savills vừa qua đã nhận định, mức lương của nhân công sản xuất tại Việt Nam chỉ đạt dưới 4.000 USD/năm. Con số này chỉ nằm trong ngưỡng trung bình của nhóm 12 thị trường lao động giá rẻ, đồng thời chỉ bằng một nửa Trung Quốc là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của BĐS công nghiệp.
Vừa qua, Savills đã công bố báo cáo tình hình BĐS công nghiệp nửa đầu năm 2016. Đơn vị này cũng dự báo, việc giá nhân công Trung Quốc tăng nhanh trong những năm gần đây là cơ hội tốt cho Việt Nam.
Năm 2015, lương công nhân sản xuất tại Trung Quốc đã đạt gần 9.000 USD. Con số này ở mức cao nhất trong 12 thị trường lao động giá rẻ, gây nên những khó khăn cho những ngành công nghiệp cần nhiều nhân công như da dày, dệt may, chế biến chế tạo… Bởi thực tế này, Trung Quốc phải đối mặt với sự ra đi của nhiều công ty nước ngoài để tìm kiếm những thị trường có chi phí lao động rẻ hơn, điều kiện sản xuất tốt hơn.
Năm 2015, lương nhân công sản xuất năm của Việt Nam
chỉ bằng một nửa Trung Quốc
Savills cũng đưa ra đánh giá, sau khi kết thúc đàm phán các hiệp định thương mại tự do như TPP, EVFTA vào cuối năm 2015, FDI của Việt Nam đã tăng đột biến. Trong nửa đầu năm 2016, Việt Nam đã tiếp nhận 1.145 dự án mới với tổng vốn đăng ký đạt 7,5 tỷ USD, tăng 95% theo năm. Chế biến chế tạo là ngành nhận được đầu tư lớn nhất với 71% số vốn FDI đăng ký. Các nhà sản xuất từ thị trường Trung Quốc đã chuyển đến Việt Nam bởi sự thuận lợi về giao thông đường thủy và đường bộ từ Trung Quốc sang nước ta. Việt Nam mang trong mình các thế mạnh như vừa thực hiện ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, lại có giá nhân công thấp hơn một nửa so với Trung Quốc nên việc các nhà đầu tư lựa chọn thị trường nước ta là điều dễ lý giải.
Xét theo địa lý, tổng vốn FDI của Hà Nội và Hải Phòng chiếm đến 30%, trở thành 2 TP có hoạt động tốt nhất. Bình Dương và Đồng Nai xếp ngay sau với các con số 9% và 8%. Có thể kể đến những khoản đầu tư nổi bật từ các nhà sản xuất công nghệ cao của Hàn Quốc như LG với 1,5 tỷ USD vào nhà máy màn hình OLED ở Hải Phòng. Hàn Quốc cũng là quốc gia có khoản đầu tư lớn với 4 tỷ USD, chiếm 35% tổng vốn FDI đăng ký. Singapore và Nhật đứng ngay sau với 1,1 và 1,2 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tương ứng với 10-11% vốn FDI vào Việt Nam.
BĐS công nghiệp Việt Nam có điều kiện phát triển bởi mức lương
nhân công sản xuất ở mức rẻ
Chỉ tính trong nửa đầu năm 2016, có 700ha diện tích cho thuê được cung cấp bởi 6 khu công nghiệp mới. Như vậy, tổng số khu công nghiệp đạt đến con số 218 với tổng diện tích 59.700ha, diện tích cho thuê là khoảng 41.000ha. Tổng diện tích cho thuê của nửa đầu năm 2016 theo đó cũng tăng 5% so với nửa cuối năm 2015 với con số 28.500ha.
Theo thông tin từ Savills, các khu công nghiệp ở Tp.HCM có giá thuê cao nhất so với các tỉnh phía Nam bởi vị trí đắc địa. Tuy nhiên, TP này có mặt bằng giá nhân công cao nên ngành chế biến chỉ nhận được 66 triệu USD từ vốn FDI đăng ký nửa đầu năm 2016.
Bình Dương và Đồng Nai mỗi tỉnh thu hút được gần 1 tỷ USD cho ngành chế biến chế tạo nửa đầu năm 2016 bởi vị thế trung tâm công nghiệp của miền Nam Việt Nam.
BĐS công nghiệp cũng ghi nhận sự tăng tốc mạnh mẽ của Long An khi chứng kiến 16 khu công nghiệp đã và đang đi vào hoạt động, cung ứng 3.000ha diện tích cho thuê vào thị trường. Cũng chỉ trong nửa đầu năm 2016, Long An tiếp nhận 350 triệu USD vốn FDI đăng ký, là mức cao nhất so với các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long. 60% là công suất cho thuê trung bình của Long An hiện nay.
Hải Phòng dẫn đầu phía Bắc về thu hút vốn FDI trong nửa đầu năm 2016 với 1,8 tỷ USD bởi các lợi thế về cảng biển quốc tế.
Công suất cho thuê trung bình tại Hà Nội và các tỉnh lân cận đạt hơn mức 70% bởi sức cạnh tranh đang dần được củng cố qua hệ thống đường cao tốc kết nối đến Trung Quốc và các cảng biển của Hải Phòng.
Bắc Ninh là một trong những tỉnh thu hút đầu tư cao với 563 triệu USD vốn FDI đăng ký mới, Vĩnh Phúc cũng tiếp nhận 563 triệu USD.