Giới đầu cơ từ Tp.HCM tìm về các xã ở Long An giáp ranh với Tp.HCM để "thổi" giá đất. Hoạt động của "cò đất" cũng khiến giá đất Long An tăng cao chóng mắt, tạo nên cơn sốt ảo.
Gần đây, giá đất tại nhiều xã ở các huyện thuộc tỉnh Long An giáp ranh với Tp.HCM như Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa đã bị đẩy lên cao khiến nhiều người dân địa phương bỏ việc để chuyển sang làm "cò đất".
Những tấm bảng quảng cáo làm dịch vụ mua, bán nhà đất kèm theo số điện thoại và thông tin về mảnh đất được treo ngổn ngang dọc khắp các tuyến đường ở nhiều xã như Cần Giuộc, Cần Đước, Bến Lức, Đức Hòa.
Theo ông Phan Nhân Duy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Long An, do việc phát triển mạnh hệ thống hạ tầng đô thị, đặc biệt là các tuyến đường vành đai, đường cao tốc, đường kết nối của Tp.HCM đã dẫn đến tình trạng trên. Bên cạnh đó, do chưa có sự định hướng dư luận kịp thời về những tin đồn không chính thống như: Khả năng chuyển huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh (Tp.HCM) lên quận, xây dựng mô hình thành phố ở phía Nam, phía Tây, phía Đông Tp.HCM.
Việc các tập đoàn lớn công bố thông tin đề xuất các dự án lớn sẽ làm thay đổi diện mạo Tp.HCM, đặc biệt là các huyện ngoại thành cũng tác động đến giá đất.
Ngoài ra, việc "cò" đẩy giá đất nền tại các quận vùng ven và huyện ngoại thành Tp.HCM nhằm tạo sóng và thu lợi từ giao dịch bất động sản đã khiến giá đất Long An tăng cao chóng mặt.
Qua khảo sát cho thấy, dọc trục đường chính đi qua 2 xã Mỹ Hạnh Bắc và Mỹ Hạnh Nam (huyện Đức Hòa, Long An), cứ 1km lại có đến hàng chục văn phòng môi giới nhà đất. Có những văn phòng ăn ké quán cà phê với các tên gọi "Cafe Địa ốc" hay "Cà phê BĐS".
Giá đất "nhảy múa" chóng mặt
Trên con đường dẫn vào Khu tái định cư và khu dân cư Xuyên Á có không ít văn phòng môi giới nhà đất mọc lên. Theo nhân viên một văn phòng ở khu vực này cho biết, giá đất ở đây dao động từ 15-30 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí. Nhân viên này tư vấn: "Đất ở đây tăng giá theo từng ngày. Anh mua chậm sẽ khó, vì giá tăng và vị trí đẹp không còn nữa".
Qua tìm hiểu của PV, gần 1 năm nay, đất Long An mới bắt đầu tăng giá. Nếu như trước đây, mảnh đất 100m2 chỉ có giá khoảng 100 triệu đồng thì nay đã tăng lên 300-400 triệu đồng. Đặc biệt, có lô đất tại dự án Xuyên Á diện tích hơn 100m2 có giá gần 2-3 tỷ đồng. Nhiều môi giới cho biết, trước thông tin các dự án lớn sẽ được triển khai tại Cần Đước và Cần Giuộc, nhiều khách hàng từ Tp.HCM và một số địa phương khác đã về đây làm náo loạn thị trường khiến cho giá đất nông nghiệp tại đây bị đẩy giá lên 3-4 triệu đồng/m2.
Tại xã Mỹ Hạnh Nam, cách đây vài tháng, mảnh đất 400m2 có giá chỉ khoảng 1 tỷ đồng thì nay đã tăng lên 2,1 tỷ đồng, 1 ha đất nông nghiệp có giá 2,5 tỷ đồng vào thời điểm trước Tết 2017 thì nay đã tăng lên 5 tỷ đồng.
Trước Tết, 100m2 đất ở khu vực này chỉ có giá vài trăm triệu thì nay đã tăng lên 2 tỷ đồng
Ông Lê Thanh Tuấn, Tổng giám đốc công ty đầu tư Đông Phương cho biết, giá một công (1.000m2) trước Tết tại Cần Giuộc là 800-900 triệu đồng nhưng nay đã tăng lên 1,3-1,5 tỷ đồng. Tại các khu vực giáp ranh với Tp.HCM như Đức Hòa, Cần Đước, cách đây khoảng 2 năm, nhiều lô đất thổ cư rao bán 3-4 triệu đồng/m2 nhưng không ai mua. Đến giữa năm 2017, giá đất đã tăng lên 7-8 triệu đồng/m2 và hiện nay là 10-12 triệu đồng/m2. Đặc biệt, tại những khu vực hạ tầng giao thông tốt, giá đất còn lên tới 22 triệu đồng/m2.
Theo nhiều "cò đất" ở dọc tuyến đường dẫn vào Khu đô thị quốc tế Năm Sao tại huyện Cần Giuộc, giá đất tại đây đang "nhích" dần lên là do tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành (đoạn đi qua Long An) sắp hoàn thành, cộng với việc một số đại gia địa ốc mua lại nhiều quỹ đất lớn từ sau Tết để chuẩn bị xây dựng các khu dân cư hiện đại. Một lô đất rộng hơn 100m2 trước đó có giá khoảng 500-700 triệu thì nay đã tăng lên 1,2-1,7 tỷ đồng.
"Cò đất" Hùng cho biết: "Chúng tôi nắm rất rõ. Có những khu vực, hiện nay, giá mua tăng đột biến gấp 5-6 lần so với mấy tháng trước".
Tại nhiều xã của huyện Đức Hòa, giá đất cũng được đẩy lên cao chót vót và dù theo cảnh báo đây là cơn sốt ảo nhưng hoạt động mua bán vẫn diễn ra rất sôi động. Các điểm công chứng trên địa bàn huyện đều chật cứng người đến chứng thực các giấy tờ để chuyển nhượng đất.
Đại diện Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đức Hòa cho biết: "Bình thường, bình quân mỗi ngày, chi nhánh tiếp nhận khoảng 100 hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất, thế nhưng từ tháng 3/2017 đến nay, số hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất nộp vào tăng đột biến với mức bình quân trên 300 hồ sơ/ngày".
Chính quyền địa phương tăng cường quản lý
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An cho biết, tỉnh sẽ thường xuyên công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dưới nhiều hình thức như trang thông tin của sở, của UBND huyện, pano, áp phích... để người dân được biết. Cùng với đó, tỉnh sẽ thực hiện nhiều giải pháp phù hợp nhằm siết chặt phân lô bán nền theo Quyết định số 65/2016/QĐ-UBND ngày 05/12/2016.
Theo đó, người sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải qua bước thẩm định nhu cầu sử dụng đất, điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, lập mặt bằng tổng thể nhằm đảm bảo việc kết nối hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại địa phương nhằm xác định nhu cầu thực sự cũng như khả năng, năng lực của nhà đầu tư. Từ đó hạn chế được phần nào việc phân lô tách thửa, chuyển mục đích sử dụng.
Sở có nhiệm vụ tham mưu và trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh giá đất kịp thời nhằm đảm bảo giá thị trường ở trong điều kiện bình thường, như vậy mới tránh được thất thu ngân sách Nhà nước khi phát sinh chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhất là khi giá đất chênh lệch tại khu vực giáp ranh Tp.HCM.
Bên cạnh đó, chỉ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng cho những công trình thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Không giải quyết thủ tục hợp thức hóa đối với những tường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất có diện tích lớn để xây dựng hạ tầng, sau đó tách thửa chuyển nhượng thành các khu dân cư tự phát không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.