Ông Thảo đã mất trắng 400 triệu đồng khi mua nhà không giấy tờ của người quen. Do vướng tranh chấp với hai người mua khác nên ông không thể bán cũng như cho thuê căn nhà này.
Dưới đây là chia sẻ của ông Bùi Chí Thảo (62 tuổi) hiện đang sống tại Tp.HCM:
Tôi đã mua một căn nhà nằm trong hẻm nhỏ trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh tại quận Bình Thạnh, Tp.HCM vào đầu năm nay. Nhà rộng khoảng 20m2, xây 1 trệt, 1 lầu, giá 400 triệu đồng, giấy tờ viết tay.
Khi đó, tôi có yêu cầu bên bán làm giấy tờ xong rồi mới mua nhưng chủ nhà (một người bạn của cháu tôi) không muốn làm vì phải mất nhiều công sức, thời gian đi lại bởi cô ấy đã về quê sống. Lúc đầu, gia chủ đòi 500 triệu đồng, sau đó bớt cho tôi 100 triệu. Được biết, vào năm 2005, bố mẹ cô ấy đã mua cho căn nhà này khi cô đỗ đại học. Do nay không ở Tp.HCM nữa nên cô quyết định bán ngôi nhà, lấy tiền về quê mua đất.
Như vậy, tôi đã không có được tờ giấy chứng nhận quyền sở dụng đất khi mua ngôi nhà này. Thay vào đó, tôi được trao cho một tập giấy viết tay ghi lại lịch sử việc mua bán chuyển nhượng ngôi nhà. Nhiều tờ giấy đã cũ, ố vàng nên tôi không hề nghi ngờ gì.
Tập giấy tờ bắt đầu từ năm 1998 khi người chủ của ngôi nhà xin giấy phép xây dựng ở phường. Vì vậy, tôi không thể biết được nguồn gốc cụ thể của căn nhà mình mua. Trong tập hồ sơ, đây là tờ duy nhất có dấu đỏ của chính quyền địa phương. Đến năm 2000, họ bán căn nhà cho một người khác. Chủ nhà mới bán lại cho một người khác nữa vào năm 2004. Và người khác nữa đã bán lại căn nhà cho gia đình cô gái này năm 2005. Song, cả ba lần mua bán đều chỉ thể hiện bằng một tờ giấy viết tay, có chữ ký của người bán, người mua và một người làm chứng. Đồng thời, cô gái cũng đưa cho tôi 3 tờ biên lai nộp thuế đất của ngôi nhà này.
Mua nhà đất bằng giấy tờ viết tay tiềm ẩn nhiều rủi ro về sau.
Trước khi quyết định xuống tiền mua căn nhà này, tôi có tìm hiểu giá bất động sản nơi đây. Theo đó, tôi được biết giá đất trong hẻm khoảng từ 35-40 triệu đồng/m2. Một người làm các dịch vụ nhà đất cho hay, tổng chi phí để làm sổ đỏ mảnh đất này khoảng 120 triệu đồng. Tôi vẫn lãi gần 200 triệu đồng so với thị trường khi hoàn tất giấy tờ nhà đất. Thấy lợi nên tôi quyết định mua ngôi nhà đó.
Lúc bấy giờ, ngôi nhà tôi đang ở quận 8 cũng mua dạng viết tay từ cuối năm 2004, đang nộp hồ sơ xin cấp sổ đỏ theo chủ trương của Nhà nước. Thế nên, tôi cảm thấy rất yên tâm khi mua ngôi nhà ở quận Bình Thạnh. Tiết kiệm được 600 triệu đồng, gửi ngân hàng cả năm lãi chưa đầy 30 triệu nên tôi muốn mua nhà, cho thuê lại, vừa có miếng đất về lâu dài vừa có thể thu tiền trọ hàng tháng.
Vậy nhưng, việc công chứng giao dịch này không có nhiều ý nghĩa ngoài việc khẳng định tôi đã đưa tiền cho cô chủ nhà. Lý do là, mảnh đất chưa có giấy tờ pháp lý.
Mua nhà chưa được nửa tháng, chưa kịp cho thuê thì tôi phải tiếp hai vị khách không mời. Tôi tá hỏa khi biết họ cũng đã mua ngôi nhà này nhưng người bán lại là những người khác chứ không phải cô gái nọ. Hơn nữa, họ cũng có một tập giấy tờ viết tay, thể hiện lịch sử chuyển nhượng căn nhà tương tự tập giấy tôi nhận được, ngoại trừ tên cô gái đã được thay đổi bằng tên người khác.
Lúc này tôi cũng không thể liên lạc được với cô bé bán nhà. Địa chỉ trên chứng minh nhân dân cũng rất chung chung, chỉ có tên xã, huyện, tỉnh, không có số nhà cụ thể, còn điện thoại không bao giờ nghe máy. Hỏi đứa cháu thì nó bảo là bạn cùng trường đại học nhưng chưa về nhà nhau lần nào. Hiện tại, cô ấy cũng đã khóa Facebook.
Tôi đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để tranh chấp một ngôi nhà không có giấy tờ. Đồng thời, việc sở hữu nhà đất của tôi cũng như hai người mua kia cũng không được pháp luật hiện hành thừa nhận. Chúng tôi chỉ có thể báo công an về việc mình đã bị lừa. Nhưng cho đến nay, công an vẫn chưa tìm thấy những người đã lừa chúng tôi. Tôi cũng không thể cho thuê căn nhà kia được bởi hai nạn nhân kia không đồng ý việc này.