Theo một số nhận định, việc Luật Nhà ở sửa đổi cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam sẽ là bước đệm đưa thị trường bất động sản thoát khỏi tình trạng ảm đạm. Tuy nhiên, vẫn có nhiều Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bày tỏ ý kiến lo ngại về vấn đề này.
Ngày 25/11, Quốc hội khóa 13 đã thông qua Luật Nhà ở sửa đổi với quy định cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam. Theo đó, quy định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.
Với quy định cho phép mua nhà ở Việt Nam đối với người nước ngoài, Luật sửa đổi đã nới lỏng các điều kiện, đảm bảo cho họ có đầy đủ quyền sở hữu bất động sản. Cụ thể, Luật cho phép người nước ngoài có quyền thuê và sở hữu tối đa 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư hoặc sở hữu tối đa 250 biệt thự/nhà liền kề; cho phép cung cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu có thời hạn đăng ký là 50 năm.
Quy định mới này rõ ràng đã tạo điều kiện rất lớn cho người nước ngoài trong việc sở hữu bất động sản tại Việt Nam. Đối với người nước ngoài là vậy, còn với thị trường bất động sản (BĐS), những quy định này sẽ có tác động gì đáng chú ý?
Nhận định về vấn đề này, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư VIC – Sàn giao dịch BĐS Vicland, ông Nguyễn Viết Hải cho biết: Quy định cho người nước ngoài mua nhà sẽ có những tác động nhất định đến thị trường bất động sản, tuy nhiên không quá lớn. Với quy định này, thị trường sẽ thu hút được một lượng vốn nhất định, đưa tính thanh khoản của những sản phẩm BĐS trung và cao cấp đi lên.
Luật Nhà ở sửa đổi cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam.
“Không nên lo lắng về việc các doanh nghiệp BĐS nhỏ hay đầu cơ sinh lời bị các tổ chức nước ngoài mạnh về tài chính, đầu tư chuyên nghiệp thâu tóm vì đó là những tổ chức có tiềm lực tài chính bền vững, quyết định đầu tư rất chắc chắn, khi phát triển các dự án BĐS ở quy mô lớn, họ đầu tư rất đồng bộ và đưa ra sản phẩm rất tốt".
Ông Hải nói thêm: "Điều đáng lo ngại nhất chính là vấn đề chuyển giá, các tổ chức nước ngoài đầu tư thu được lợi nhuận nhưng thường xuyên trốn thuế, việc đóng góp vào ngân sách nhà nước là rất ít. Để khắc tình trạng này, các cơ quan quản lý cần nâng cao năng lực quản lý, tránh thất thu thuế cho nhà nước”.
Đưa ra ý kiến về việc người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam, Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Liên minh G5 cho rằng: Đi kèm với việc mua nhà của người nước ngoài là việc thị trường sẽ có thêm nguồn lực tài chính. Điều này mang đến sự khởi sắc và tính chuyên nghiệp cho thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, ông Khánh cũng cho rằng, những nhà đầu tư nhỏ lẻ, ít vốn, chiến lược kinh doanh không hiệu quả sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng khi thị trường có thêm các nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính tốt. Tuy vậy, sự xuất hiện này cũng sẽ tạo tính cạnh tranh cho thị trường, là động lực để nhiều doanh nghiệp BĐS trong nước bứt phá mạnh mẽ.
Chia sẻ về vấn đề, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, quy định cho người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam chính là hoạt động xuất khẩu tại chỗ, làm tăng khối lượng GDP trong nước. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các ngành nghề khác phát triển và tạo thêm việc làm cho người lao động. Tổng cầu thị trường BĐS cũng từ đó mà tăng lên, đặc biệt đối với thị trường thứ cấp.
Savills Việt Nam nhận định, thị trường sẽ có thêm lượng người mua nhà mới, đồng nghĩa với lượng cầu tăng, điều này sẽ đẩy nhanh thanh khoản cho thị trường nhà ở hiện đang có dấu hiệu phục hồi tương đối.