Nhận định thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phát triển, nhiều nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch rót hàng ngàn tỷ đồng vào thị trường.
Từ tăng vốn…
Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2017 của Công ty cổ phần Dịch vụ và Xây dựng địa ốc Đất Xanh (DXG) diễn ra cuối tuần qua đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành cổ phiếu ESOP vào năm 2017 để tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng. Đợt tăng vốn sẽ thực hiện theo từng giai đoạn. Giai đoạn 1, DXG dự kiến phát hành gần 33 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2016 với tỷ lệ 13%, vốn điều lệ tăng thêm tương ứng khoảng 329 tỷ đồng.
Giai đoạn 2, Công ty tiếp tục phát hành hơn 14,3 triệu cổ phiếu tạm ứng cổ tức năm 2017 và 3 triệu cổ phiếu ESOP. Tổng vốn điều lệ tương ứng tăng thêm sau giai đoạn này gần 173 tỷ đồng. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của DXG sẽ tăng lên hơn 3.000 tỷ đồng.
Nếu đợt tăng vốn này hoàn thành, tính từ 2015 đến nay, vốn điều lệ của DXG đã tăng lên gấp 4 lần, từ 750 tỷ đồng lên hơn 3.000 tỷ đồng.
Tại ĐHCĐ, ban lãnh đạo Công ty cho biết, việc bổ sung vốn trong giai đoạn này sẽ giúp DXG đẩy mạnh triển khai các dự án và các thương vụ M&A. Một trong số đó có thể kể đến là việc hợp tác với CTCP Địa ốc Sài Gòn (SGR) thành lập TNHH Đầu tư Sài Gòn Riverside nhằm phát triển Dự án SaigonRex Riverside tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM với tổng vốn 950 tỷ đồng, trong đó DXG góp 75% vốn.
Trong khi đó, đối tác của Đất Xanh là SGR cũng đã có kế hoạch nâng tổng mức đầu tư lên đến 2.020 tỷ đồng trong năm 2017, gấp gần 4 lần so với 2016. Để đáp ứng các hoạt động của mình, trong năm nay, SGR cũng có kế hoạch tăng vốn lên 450 tỷ đồng. Đầu tiên, dự kiến trong quý II/2017, Công ty sẽ phát hành 20 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2016, tỷ lệ 100%. Sau đó, SGR dự kiến sẽ phát hành thêm 5,4 triệu cổ phiếu ra công chúng trong năm nay. Mức vốn tăng lên sẽ đảm bảo cho việc triển khai các dự án của SGR.
Cũng có kế hoạch bổ sung vốn lưu động vào việc phát triển dự án như DXG, SGR, tại ĐHCĐ diễn ra ngày 23/3, CTCP Vạn Phát Hưng (VPH) cũng đã thông qua kế hoạch phát hành gần 23 triệu cổ phiếu và được chia làm 2 đợt.
Đợt 1, phát hành khoảng 10,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 5:1, giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm tăng thêm vốn chủ sở hữu, đáp ứng đủ nhu cầu vốn theo quy định của các dự án hiện đã và đang triển khai... Sau đợt phát hành này, dự kiến vốn điều lệ VPH tăng lên gần 636 tỷ đồng.
Số tiền thu được từ đợt phát hành này khoảng 106 tỷ đồng dự kiến được sử dụng cho các mục đích đầu tư dự án Nhơn Đức mở rộng (30 ha), đồng thời sử dụng 86 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ thi công và/hoặc đóng tiền sử dụng đất các dự án, gồm dự án Nhơn Đức mở rộng (50 tỷ đồng), dự án Nhơn Đức, quy mô 9,3 ha (30 tỷ đồng), dự án Chung cư Hoàng Quốc Việt (6 tỷ đồng)...
Đợt 2, phát hành cổ phiếu chia cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 15% và thưởng cổ phiếu, tỷ lệ 4%. Tổng số lượng cổ phần dự kiến phát hành đợt 2 là hơn 12 triệu cổ phiếu.
Trong một diễn biến tương tự, tại ĐHCĐ diễn ra mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) cũng đã thông qua kế hoạch phát hành gần 32 triệu cổ phiếu để tăng vốn từ 696 tỷ đồng lên hơn 1.000 tỷ đồng trong năm 2017. Tổng số tiền thu được sẽ được sử dụng để bổ sung nguồn vốn phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
Tại ĐHCĐ mới đây của CEO Group, các cổ đông công ty này cũng đã nhất trí thông qua kế hoạch phát hành 51 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn lên 1.544 tỷ đồng.
Số tiền dự kiến thu được là 514,68 tỷ đồng, trong đó 357,8 tỷ đồng được dùng để đầu tư vào các dự án khả thi của Công ty, gồm đầu tư vào Dự án Sonasea Residences - Phú Quốc (90 tỷ đồng), đầu tư vào dự án Sunny Garden City (100 tỷ đồng), đầu tư vào dự án River Silk City giai đoạn II+III (167,8 tỷ đồng); góp vốn vào các công ty con 66,88 tỷ đồng; còn lại 90 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.
Ngoài các tên tuổi nêu trên, kỳ ĐHCĐ năm nay cũng chứng kiến sự nở rộ của việc tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu để triển khai các dự án bất động sản hoặc tiến hành thâu tóm thông qua M&A của nhiều doanh nghiệp địa ốc khác.
… đến chuyển ngành
Không chỉ những doanh nghiệp trong ngành, thị trường bất động sản sôi động cũng kích thích nhiều doanh nghiệp ngoài ngành nhập cuộc đua. Trong báo cáo thường niên 2016, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Sài Gòn) tuyên bố rót 250 tỷ đồng vào dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng và căn hộ 20 tầng ở quận Tân Bình (TP.HCM).
Đây chỉ là một trong các dự án mới nhất được “ông hoàng" một thời của ngành thủy sản phía Nam phê duyệt đầu tư, nối tiếp chuỗi những thương vụ mua bán và chuyển nhượng đình đám trong 2 năm gần đây. Sau ĐHCĐ, Công ty này sẽ tiếp tục các hoạt động M&A nhằm gia tăng mạnh quỹ đất trong nội thành TP.HCM.
Tính đến tháng 12/2016, Seaprodex Sài Gòn đang sở hữu và quản lý quỹ đất lên tới 35.000 m2 tại các vị trí đắc địa ở quận 1, quận 3, quận 6, quận Tân Bình (TP.HCM). Đến năm 2020, Công ty đặt mục tiêu tăng tổng diện tích quỹ đất lên 60.000 m2 và tổng tài sản của Công ty sẽ đạt mức 5.000 tỷ đồng.
Tương tự, Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) cũng bổ sung bất động sản vào chiến lược tái cấu trúc của mình. Ngày 18/12/2016, UBND tỉnh Gia Lai và DLG đã chính thức ký Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư Dự án Khu trung tâm mở rộng phía Đông Chư Sê. Đồng thời, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Gia Lai cũng đã ký kết biên bản thỏa thuận về việc thu xếp vốn đầu tư cho dự án này của Đức Long Gia Lai. Đây là dự án đầu tư 2.120 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 75,1 ha thuộc huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.
Trước đó, một loạt cái tên ngoài ngành khác cũng công bố lấn sân sang bất động sản như Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) - doanh nghiệp thuộc lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, hay Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (Hà Tĩnh) - doanh nghiệp chuyên về xây dựng dân dụng, kết cấu hạ tầng, cầu cảng...
Nhưng cần cẩn trọng
Theo đánh giá của các chuyên gia, sức hấp dẫn của thị trường bất động sản thời gian gần đây đã kích thích nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước rót tiền vào lĩnh vực này, trong đó có không ít doanh nghiệp tay ngang. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, đầu tư bất động sản không dễ để có thể thành công. Việc có nhiều doanh nghiệp đầu tư sẽ khiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.
Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp sau một thời gian lấn sân sang bất động sản, do chưa đủ tiềm lực tài chính và kinh nghiệm, nên đã bắt đầu có dấu hiệu "hụt hơi". Điển hình có thể kể đến trường hợp của Công ty cổ phần Licogi 13.
Đầu năm 2016, với tham vọng lấn sân sang lĩnh vực bất động sản nhằm tăng doanh thu ở mảng này, Licogi 13 đã tiến hành hàng loạt thương vụ M&A, hợp tác, nhắm tới những doanh nghiệp đang sở hữu các quỹ để triển khai, hoặc hợp tác phát triển các dự án bất động sản có quy mô lớn. Tuy nhiên, dường như việc đầu tư quá ồ ạt vào bất động sản mà “quên” đi hoạt động kinh doanh cốt lõi, đã kéo theo sự thụt lùi về kết quả kinh doanh của Ligcogi 13.
Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất 2016 của Licogi 13 cho thấy, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2016 của Công ty chỉ đạt 868,2 tỷ đồng, giảm tới 33,3% so với năm trước; lợi nhuận thuần sau thuế cũng giảm tới gần 70%, chỉ đạt 11,9 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền tệ thuần tính đến cuối năm 2016 âm nặng thêm gần 70 tỷ đồng, chủ yếu do phát sinh từ tiền chi trả cho người cung cấp hàng hóa và dịch vụ và tiền chi trả lãi vay.
Điều này khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại Licogi13 đã cạn kiệt tiền để đầu tư vào các dự án bất động sản, trong khi hoạt động kinh doanh cốt lõi là thi công cũng đang gặp khó khăn.