Để tránh rắc rối, cần tìm hiểu kỹ hệ thống cống nước xung quanh trước khi quyết định mua nhà.
Theo các cơ quan chức năng, cống thoát nước phía sau nhà hay thông hành địa dịch (phần đất trống giữa các dãy nhà) nếu không còn cần thiết, không còn chức năng và phù hợp quy hoạch đất ở thì được cấp giấy chứng nhận (GCN), cấp giấy phép xây dựng (GPXD) nhà ở. Nhưng việc xác định cống không cần thiết, không còn chức năng là việc không hề đơn giản.
Xây nhà có phép vẫn bị đình chỉ
Năm 2016, bà Trần Thị Đức mua lại căn nhà tại địa chỉ 489A/21/15 Huỳnh Văn Bánh, phường 13, quận Phú Nhuận (TP.HCM). Diện tích đất là 49 m2. Căn nhà này được cấp GCN từ năm 1998, trong đó toàn bộ là diện tích đất ở, không thể hiện có cống thoát nước chung trong khuôn viên.
Sau đó bà Đức xin cấp phép xây dựng và được UBND quận cấp phép vào tháng 9-2016. Theo GPXD, bà Đức được xây nhà với mật độ xây dựng 100%, quy mô bốn tầng. Trong quá trình thi công, nhà bà Đức bị hàng xóm gửi đơn khiếu nại đến UBND phường và quận Phú Nhuận, cho rằng nhà bà xây trên phần cống thoát nước chung phía sau. Thế là căn nhà bị đình chỉ thi công với lý do trên. Gần đây, UBND quận Phú Nhuận ký quyết định thu hồi GPXD đã cấp cho bà Đức với lý do GPXD có một phần diện tích xây dựng nằm trên hệ thống cống thoát nước chung phía sau nhà. Bà Đức không giao nộp GPXD nên sau đó UBND quận ban hành quyết định hủy GPXD đã cấp.
Việc bị đình chỉ thi công, thu hồi GPXD với lý do nhà xây trên cống thoát nước chung khiến bà Đức vô cùng bức xúc. Bà cho rằng nhà bà không có hệ thống cống chung phía sau. “Giấy hồng cấp từ năm 1998 không thể hiện có cống thoát nước mà toàn bộ là đất ở. GPXD do quận cấp cũng như vậy. Tôi xây dựng đúng phép nhưng bị đình chỉ thi công mấy tháng nay” - bà bày tỏ. Bà còn gửi kèm theo cam kết của ba căn nhà lân cận xác nhận đã chuyển hệ thống thoát nước thải và nước mưa của nhà từ phía sau lên phía trước sau khi hẻm được nâng cấp đô thị để chứng minh phần phía sau không còn chức năng cống.
Công trình 489A/21/15 Huỳnh Văn Bánh, phường 13, quận Phú Nhuận, TP.HCM
bị thu hồi giấy phép xây dựng vì quận cho rằng có một phần đất trên cống.
Ảnh: CẨM TÚ
Hai luồng quan điểm
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM về trường hợp oái oăm của nhà bà Đức, Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Thành Phương cho hay nguyên tắc đầu tiên là GPXD được cấp theo GCN. Khi kiểm tra thực tế trước khi cấp phép xây dựng, cán bộ không phát hiện có phần cống phía sau. Sau khi có phản ánh, quận đã yêu cầu các phòng, ban liên quan phối hợp với UBND phường kiểm tra hồ sơ và thực tế.
Theo đó, hệ thống thoát nước nằm phía sau nhà bà Đức tồn tại trước năm 1975 và đi qua 17 căn nhà. Đến năm 2010, khi thực hiện nâng cấp đô thị, quận xây mới hệ thống thoát nước phía trước các căn nhà này. “Tuy nhiên, đến nay hệ thống thoát nước cũ phía sau vẫn còn bốn nhà đang sử dụng. Qua lấy ý kiến các hộ dân tại khu vực thì hiện nay vẫn còn nhu cầu sử dụng hệ thống thoát nước cũ và khiếu nại nếu quận cấp GPXD trên phần cống này” - ông cho biết.
Để giải tỏa ách tắc cho bà Đức xây nhà, vấn đề mấu chốt là xác định cống phía sau đã hết chức năng chưa trong khi đã có cống phía trước. Ông Nguyễn Thành Phương cho biết về vấn đề này, chính các phòng, ban chuyên môn của quận cũng có hai quan điểm khác nhau. Một luồng quan điểm nhận định đây vẫn là hệ thống cống chung phải giữ lại, quan điểm còn lại thì cho rằng cống chung phía sau nhà bà Đức đã hết công dụng nên cho xây dựng. “Sau khi cân nhắc, quận quyết định đình chỉ thi công, thu hồi GPXD vì nhận thấy đây là phương án ít thiệt hại nhất và có thể khắc phục được. Hiện nay phần trên cống chủ nhà chỉ mới làm móng và một ít cột nên việc dừng lại chờ kết luận cuối cùng của cơ quan là phương án khả dĩ nhất” - ông Phương bày tỏ.
Hiện bà Đức đã gửi đơn khiếu nại UBND quận Phú Nhuận đến các cơ quan cấp trên về việc buộc ngưng thi công nhà bà.
Cống hết chức năng: Xác định không đơn giản!
Ông Nguyễn Phương Bình, Phó phòng TN&MT quận Phú Nhuận, cho hay trên thực tế khá nhiều trường hợp trước đó hệ thống cống thoát nước nằm ở phía sau nhà hộ dân. Trong quá trình chỉnh trang, nâng cấp đô thị thì hệ thống cống chuyển lên phía trước để đảm bảo mỹ quan và vệ sinh môi trường. “Phần cống phía sau nhà nếu không còn được sử dụng vào chức năng cống, phù hợp quy hoạch đất ở thì sẽ được cấp GCN” - ông Bình cho biết.
Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng để được cấp GCN thì yếu tố quan trọng nhất là cống thoát nước phải được xác định là không còn chức năng.
Về thắc mắc nhà vướng cống sao chủ cũ được cấp GCN, Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Thành Phương cho biết giấy này do UBND TP cấp. “Quận phải báo cáo TP để có hướng giải quyết với trường hợp này” - ông cho hay. Hiện quận Phú Nhuận đang chờ và sẽ chấp hành theo quyết định giải quyết sắp tới của UBND TP.