Luật Nhà ở sửa đổi với nội dung cho phép người nước ngoài, Việt Kiều sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã có hiệu lực được hơn 2 tháng, nhưng đến nay, tình hình chung dường như vẫn chỉ dừng ở mức độ... nghe ngóng.
Các đơn vị bán hàng, chủ đầu tư địa ốc nội dường như vẫn chưa "lấy được tiền"
từ khách hàng ngoại và Việt kiều.
Điều đáng nói ở đây là, bên cạnh việc các chế tài hướng dẫn cụ thể còn thiếu thì nhiều người nước ngoài có nhu cầu mua nhà tại Việt Nam vẫn đang băn khoăn về sự “bình đẳng nửa vời” trong các điều luật vốn được nhận định là khá thông thoáng.
Vẫn còn nhiều băn khoăn
Francis Koh, một công dân người Singapore đang có ý định mua nhà ở tại Việt Nam, sau khi Luật Nhà ở với nội dung cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam được thông qua.
Song, khi đến các sàn giao dịch, các thông tin từ nhân viên bán hàng đã khiến Francis phải gác lại ý định của mình, dù anh cho biết, giá của một căn hộ ở trung tâm thành phố lớn của Việt Nam vẫn rẻ hơn nhiều lần so với khu vực ngoại ô ở đất nước anh.
Điều làm mất đi sự hào hứng được sở hữu nhà tại Việt Nam của Francis là vì anh nhận được tư vấn: Thời gian mà người nước ngoài được sở hữu căn hộ đó là 50 năm và sau đó có thể gia hạn thêm 20 năm nữa. Nhưng nếu chưa hết 50 năm nhưng người này muốn bán căn hộ đó lại cho người Việt Nam, thì người chủ mới đó sẽ có quyền sở hữu căn hộ vĩnh viễn.
Trước thông tin trên, vị khách ngoại quốc này đã phản ứng: Sự hạn chế về thời hạn sở hữu 50 năm là chưa thỏa đáng và thể hiện sự không công bằng của luật. Tại sao lại có chuyện phân biệt đối xử 50 năm, rồi có thể gia hạn thêm 20 năm, vì rủi như không được gia hạn thêm thì gặp ai để bắt đền?
Từ đó anh cũng đưa ra kiến nghị, nếu đã đồng ý cho phép người nước ngoài mua bất động sản thì Việt Nam nên tạo ra một cuộc chơi mang tính bình đẳng. Như Singapore, nhà nước có thể phụ thu thêm một số lệ phí ban đầu đối với người nước ngoài, nhưng một khi bước vào thị trường mua bán thì sự phân biệt không còn nữa.
Sau nhiều năm “thuê trọ” nơi đất khách, Gerard Gastel, chủ một nhà hàng Pháp tại Hà Nội cũng rất mong muốn được sở hữu một căn hộ thực sự tại Việt Nam.
Vấn đề tài chính đã sẵn, nhưng điều khiến Gastel băn khoăn là nếu không muốn ở lại Việt Nam, thì người mua lại căn hộ của ông sẽ sở hữu như thế nào?
Cùng với đó, Gastel cũng không khỏi băn khoăn trước các thủ tục vay vốn ngân hàng, việc chuyển tiền mua, bán nhà… liệu có ủng hộ người nước ngoài như ông hay không.
Trên thực tế, đã hơn 2 tháng kể từ ngày nội dung của Luật có hiệu lực, nhưng nhiều dự án bất động sản tại Hà Nội dường như vẫn “bất động” về thanh khoản đối với đối tượng khách hàng là người nước ngoài, dù có không ít chủ đầu tư đã thực hiệntriển khai rầm rộ các chương trình bán nhà dành cho người nước ngoài.
Theo xác nhận của đại diện CenGroup, 2 tháng qua, đơn vị đã thực hiện giao dịch thành công hàng nghìn sản phẩm, nhưng chưa có bất kỳ một giao dịch hay đặt cọc nào được thực hiện bởi khách nước ngoài.
Bà Hoàng Phương, Trưởng bộ phận Nhà ở của Savills Việt Nam tại Hà Nội cũng xác nhận, “bản thân doanh nghiệp cũng chưa dám tư vấn hay tiến hành thực hiện bất kỳ một thủ tục nào cho trường hợp khách hàng là người ngoại quốc, mà hầu hết vẫn chỉ là nghe ngóng, tìm hiểu".
Còn Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài Nguyên & Môi trường, đến nay, sau gần 6 năm thực hiện thí điểm cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, mới chỉ có 200 trường hợp được mua nhà trên tổng số khoảng 80.000 người nước ngoài có nhu cầu đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Cần có sự “linh hoạt” hơn?
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu nhận định, luật cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam mới chỉ “mở” về cơ bản, trên thực tế, vẫn có nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục, giấy tờ còn nhiêu khê và phức tạp.
Điều đáng nói, trong bối cảnh tất cả các bên đều đang chờ thông tư hướng dẫn, thì người nước ngoài, đặc biệt là Việt kiều có nhu cầu mua nhà vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.
Cụ thể, đó là việc xác định rõ nguồn gốc người Việt Nam của Việt kiều sinh sống ở nước ngoài, nếu Việt kiều không có khai sinh hay giấy tờ tùy thân khác để chứng minh nguồn gốc người Việt của mình, thì có thể linh hoạt sử dụng các thông tin trên giấy tờ khác có giá trị để cung cấp thông tin về nguồn gốc dân tộc, nơi sinh của Việt kiều do nước sở tại cấp để xác định được nguồn gốc người Việt.
Ngoài ra, thời hạn của Giấy chứng nhận nguồn gốc người Việt được cấp cho Việt kiều, cần có giá trị vĩnh viễn, thay vì 5 năm như hiện tại.
Rồi việc xác định cơ quan cấp giấy cũng cần có sự linh hoạt hơn bằng việc bổ sung thêm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài của thành phố Hà Nội và Tp.HCM cũng được quyền cấp giấy chứng nhận nguồn gốc người Việt đối với Việt kiều.
Đồng thời, HoREA cũng kiến nghị Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước thống nhất hướng dẫn các cá nhân, tổ chức nước ngoài trong vấn đề chuyển khoản mua nhà ở từ tổ chức tín dụng nước ngoài vào Việt Nam để mua nhà ở hoặc thủ tục vay của những chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam để mua nhà.
Đặc biệt, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, để có thể giải quyết được băn khoăn của nhiều người nước ngoài nói trên về thời hạn sở hữu, người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam khi nhận chuyển nhượng nhà ở của người nước ngoài khác cũng sẽ được phép sở hữu nhà ở tối đa trong thời gian là 50 năm, không tính thời hạn mà người chủ cũ đã sử dụng.