Những yếu tố có thể tác động tích cực lên thị trường địa ốc cuối năm 2018 gồm nền kinh tế giữ đà tăng trưởng tốt, lượng khách du lịch tăng mạnh, vốn FDI rót vào bất động sản vẫn ổn định...
Đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam vẫn ở mức tốt
Kể từ năm 2011, chỉ số GDP của Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 9 tháng, so với cùng kỳ, mức tăng trưởng là 6,98%. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, GDP trong quý III vừa qua đạt mức tăng trưởng 6,88%. Con số này tuy thấp hơn mức tăng 7,45% của quý I/2018 nhưng cao hơn mức 6,73% trong quý II/2018. Có được kết quả khả quan này là nhờ sự quản lý kịp thời, hiệu quả của chính phủ trong việc cải thiện sự tăng trưởng của tất cả các ngành.
Trong 9 tháng đầu năm, mức tăng trưởng khu vực xây dựng và công nghiệp đạt 8,89%, khu vực nông - lâm - ngư nghiệp và dịch vụ tiếp tục tăng mạnh, lần lượt đạt 3,65% và 6,89%. Nền kinh tế Việt Nam trong quý IV/2018 có thể đối mặt với những thách thức như chiến tranh thương mại toàn cầu, lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đồng đô la. Thế nhưng, mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2018 có thể đạt được nếu tốc độ tăng trưởng của tất cả các thành phần kinh tế vẫn được duy trì như hiện tại.
Lượng khách quốc tế và doanh số bán lẻ tiếp tục gia tăng
So với cùng kỳ năm ngoái, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng trưởng 11,3% tính đến tháng 9 năm nay. Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, trong 9 tháng qua, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 11,61 triệu lượt, so với cùng kỳ tăng 22,9%. Khách du lịch chủ yếu đến từ Hàn Quốc và Trung Quốc với tổng số hơn 6,3 triệu lượt. Trong thời điểm du lịch vào cuối năm, con số này sẽ tiếp tục tăng lên.
|
Thị trường bất động sản cuối năm có thể sẽ khởi sắc hơn nhờ những yếu tố thuận lợi từ nền kinh tế. (Ảnh minh họa) |
Vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản ổn định
Tổng vốn FDI cam kết tính đến tháng 9/2018 đạt gần 25,37 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước bằng 99,6%. Theo đó, có 2.182 dự án đăng ký mới với trị giá 14,1 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái bằng 97%. Vốn giải ngân FDI đạt 13,25 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2017 tăng 6%. Ngành bất động sản, bán lẻ tiếp tục giữ vị trí thứ 2 và thứ 3 trong 17 ngành đầu tư với 5,8 tỷ USD và 2,1 tỷ USD. Nhật Bản tiếp tục đứng đầu trong số 104 quốc gia đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 7 tỷ USD (chiếm 28% tổng vốn FDI), kế đến là Hàn Quốc với 5,6 tỷ USD, đứng thứ ba là Singapore với 3,6 tỷ USD.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, những dự án sau tiếp tục đứng đầu danh sách đầu tư: Dự án Thành phố thông minh 4,14 tỷ USD tại Hà Nội được đầu tư bởi Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), dự án Công ty TNHH Laguna (Việt Nam) tăng vốn thêm 1,12 tỷ USD của nhà đầu tư Singapore ở Thừa Thiên Huế, dự án nhà máy sản xuất polypropylene của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chỉ số giá tiêu dùng ổn định
So với cùng kỳ năm 2017, trong 9 tháng qua, mức tăng trung bình CPI của Việt Nam là 3,57%. CPI của Việt Nam trong tháng 9 tăng 3,98% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,59% so với tháng trước đó. Sở dĩ CPI tăng là do học phí, chi phí điện, khí đốt gia tăng. Trong số 11 nhóm sản phẩm và dịch vụ được khảo sát, chỉ số vật liệu xây dựng và nhà ở tăng trung bình 3,73% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm nay, những nỗ lực của chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát dưới 4% có thể đạt được. Theo dự báo của Bộ Tài chính, CPI năm 2018 sẽ tăng từ 3,73-3,95%.
Lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng mạnh
Tổng số doanh nghiệp mới thành lập tính đến quý III/2018 là 96.611 doanh nghiệp. So với cùng kỳ năm 2017, con số này tăng 6,7% về vốn đăng ký và tăng 2,8% về số lượng công ty. Trung bình vốn đăng ký của mỗi doanh nghiệp mới thành lập là 10 tỷ đồng, so với cùng kỳ tăng 3,8%. Riêng đối với lĩnh vực địa ốc, lượng doanh nghiệp mới thành lập đạt hơn 5.000, chiếm 5,1% tổng số doanh nghiệp đăng ký và tăng 41,6% so với cùng kỳ năm 2017.