Tại TP.HCM, nhiều hộ gia đình quá mệt mỏi vì nhiều năm tranh đầu đòi sổ hồng, sổ đỏ căn hộ chung cư. Thậm chí, họ còn không còn "mơ" tới ngày được cầm trên tay tờ Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ, chấp nhận "số phận".
Thực tế cho thấy, nhiều cư dân tại TP.HCM mua căn hộ chung cư, đã dọn vào ở nhiêu năm song vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ. So với nhà phố, giá chung cư rẻ hơn, người mua có thể đóng theo tiến độ nên không bị áp lực về mặt tài chính. Tuy nhiên, chỉ những những người đang sống trong căn hộ chung cư mới biết vô số rắc rối đi kèm. Trong đó, vấn đề nổi cộm là tình trạng chủ đầu tư quá chậm trễ trong việc cấp sổ hồng cho cư dân.
Ngụ tại quận 7 (TP.HCM), anh Lê Quang N. cho biết, năm 2011, vợ chồng anh mua một căn hộ thuộc tòa chung cư trên đường Trần Xuân Soạn với giá gần 3 tỷ đồng. Cho đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành việc cấp sổ hồng cho căn hộ tại dự án. Như vậy, sau 8 năm, pháp lý căn hộ của anh N. vẫn chỉ là tờ giấy mang tên "Hợp đồng mua bán căn hộ". Quá bức xúc, vợ chồng anh N. cùng các cư dân nhiều lần đi tranh đấu với chủ đầu tư. Anh H. cho hay, hồ sơ kinh doanh của chủ đầu tư khá phức tạp nên rất khó xin cấp sổ hồng căn hộ. Hiện tại, vợ chồng anh gần như buông xuôi sau nhiều năm đi đòi sổ hồng nhưng chủ đầu tư cứ khất lần rồi thất hẹn.
Sống tại chung cư tại quận 12, chị Nguyễn Thị V. chia sẻ, sau 6 năm kể từ khi được bàn giao vào năm 2013, căn hộ vẫn chưa được cấp sổ đỏ. Hơn nữa, chung cư ngày càng cũ kỹ, xuống cấp nên việc sang nhượng cũng trở nên khó khăn hơn.
|
Quá mệt mỏi sau nhiều năm tranh đấu đòi sổ hồng, cư dân nhiều chung cư đành buông
xuôi, chấp nhận số phận. |
Chị V. cho biết: "Tôi mua 2 căn ở tầng 13. Nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư cấp sổ hồng nhưng họ hẹn lên hẹn xuống rồi quên luôn. Cư dân ở đây hiền nên cũng chẳng căng rôn hay gây ầm ỉ làm gì. Nhưng giờ tôi muốn bán để đi nước ngoài thì khổ nỗi khách không ai muốn mua chung cư đã ở 7 năm nhưng không có sổ đỏ. Tôi bây giờ chấp nhận cho thuê chứ không mong có thể bán được, trừ khi chấp nhận bán lỗ".
Cư dân sống bên cạnh căn hộ của chị V., bà Nguyễn Thị M. cho biết đã quá mệt mỏi sau nhiều năm đòi sổ đỏ nên đành buông xuôi, chấp nhận "số phận".
Bà M. chia sẻ: "Thôi thì coi như mình bỏ chừng ấy tiền ra thuê một căn nhà để ở. Giờ cũng chẳng có tiền mà chuyển đi đâu nữa nên chúng tôi cứ sống vậy thôi. Sổ đỏ hay không cũng chẳng quan trọng nữa, ngao ngán lắm rồi".
Việc chủ đầu tư chậm cấp sổ hồng khá phổ biến đối với chung cư bình dân, giá rẻ. Tình trạng này cũng xảy ra đối với cả chung cư cao cấp. Sống tại chung cư "4 sao" ở quận 5, chị Trần Thị L. thông tin, sau 4 năm bàn giao căn hộ, chủ đầu tư hiện vẫn chưa hoàn thành việc cấp sổ hồng cho cư dân.
Chị L. bày tỏ: "Cứ tưởng mua chung cư có giá đắt đỏ là tránh được những lùm xùm nhưng tôi đâu có ngờ đến giờ vẫn chưa có sổ đỏ. Chủ đầu tư thì đi lo cho dự án khác, rồi lo tranh chấp diện tích chung với cư dân chứ nào có bận tâm đến quyền sở hữu của những căn hộ đã thu tiền xong xuôi".
Qua tìm hiểu được biết, hơn một nửa chung cư trên địa bàn TP.HCM chưa có sổ hồng. Vì thế, suốt thời gian qua, cư dân nhiều chung cư liên tục căng băng rôn đòi quyền lợi. Thông tin mới nhất từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, TP hiện còn trên 15.000 trường hợp tồn đọng chưa được cấp sổ đỏ.
Đáng chú ý, tình trạng chậm cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ tại các dự án nhà ở khá phổ biến. Một số chủ đầu tư xây dựng chung cư, huy động vốn trong khi chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất (vẫn là đất thương mại, nông nghiệp). Người mua sau đó chuyển nhượng giấy tay qua nhiều người khiến cơ quan chức năng gặp khó trong việc cấp Giấy chứng nhận. Theo kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cần phải xem xét trách nhiệm của Sở Xây dựng trong việc cấp phép xây dựng, giám sát, kiểm tra thi công công trình.
Pháp luật hiện hành quy định, trách nhiệm của chủ đầu tư chung cư là làm thủ tục cấp sổ hồng cho cư dân trong vòng 50 ngày tính từ ngày bàn giao căn hộ.
Trong khi đó, nội dung Nghị định 91/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai (chính thức có hiệu lực từ ngày 5/1/2020) nêu rõ, đơn vị kinh doanh bất động sản hoặc chuyển quyền sử dụng đất sẽ bị xử phạt tùy mức độ vi phạm nếu không nộp hồ sơ, cung cấp đầy đủ giấy tờ cho khách hàng làm thủ tục cấp sổ đỏ.
Cụ thể, phạt tiền từ 10-100 triệu đồng nếu chậm trễ từ 5-6 tháng; phạt tối đa 300 triệu đồng nếu chậm 6-9 tháng; chậm từ 9-13 tháng sẽ bị phạt tối đa 500 triệu đồng; mức phạt tối đa lên tới 1 tỷ đồng nếu chậm từ 12 tháng trở lên.
Xem thêm: