Nhiệm vụ quy hoạch đảo Vạn Cảnh (Vân Đồn) với tỷ lệ 1/2.000 vừa được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt. Tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng hơn 1.700 ha.
Theo quy hoạch được duyệt, tổng diện tích nghiên cứu quy hoạch khoảng 1.7245 ha, gồm toàn bộ đảo Vạn Cảnh, thuộc xã Thắng Lợi, xã Ngọc Vừng, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Bốn phía Bắc, Nam, Tây, Đông của khu đất quy hoạch đều giáp biển.
Tính chất của quy hoạch đảo Vạn Cảnh là khu du lịch sinh thái biển cao cấp, gồm nhiều loại hình du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, vui chơi chất lượng cao, sản phẩm du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách trong nước và quốc tế.
Dự kiến, số lượng lao động tại khu vực không định hướng khu dân cư khoảng 2.584 người, khách du lịch đạt khoảng 1.149 người mỗi ngày.
Các khu chức năng gồm:
- Khu trung tâm quy mô khoảng 2,2 ha được quy hoạch gồm nhiều chức năng như mua sắm, tham quan, đón tiếp du khách...
- Khu tổ hợp khách sạn cao cấp khoảng 8 ha;
- Khu thủy cung, công viên nước khoảng 4 ha;
- Khu Littel Santorini rộng khoảng 13 ha, là khu nghỉ dưỡng phong cách châu Âu;
- Khu làng thế giới quy mô khoảng 40 ha, là khu biệt thự nghỉ dưỡng sang trọng kết hợp khu tham quan văn hóa độc đáo;
- Khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp 6 sao rộng khoảng 11 ha với chức năng là khu lưu trú chất lượng cao dành cho du khách.
Trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch đảo Vạn Cảnh, những khu chức năng khác được đề xuất gồm khu dịch vụ spa, hải đăng, bến tàu, trạm cáp treo từ đảo Ngọc Vừng... đáp ứng các yêu cầu cũng như phù hợp với định hướng phát triển chung của Khu kinh tế Vân Đồn.
|
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phê duyệt quy hoạch đảo Vạn Cảnh thành khu du lịch sinh thái với quy mô diện tích hơn 1.700 ha. |
Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Farros Vân Đồn là đơn vị được chính quyền tỉnh Quảng Ninh giao nhiệm vụ tổ chức lập quy hoạch đảo Vạn Cảnh. Việc khảo sát, lập và trình duyệt theo quy định hiện hành sẽ được đơn vị tự bỏ kinh phí triển khai thực hiện. Tính từ ngày nhiệm vụ quy hoạch được duyệt, thời gian triển khai đồ án tối đa là 9 tháng.
UBND tỉnh Quảng Ninh trước đó cũng đã phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng khu trung tâm đô thị tích hợp mới (ký hiệu C1) với tỷ lệ 1/2.000, thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.
Ranh giới quy hoạch như sau: phía Đông giáp khu nuôi trồng thủy sản (KĐTM - khu C2 thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái); giáp khu dân cư hiện hữu, đất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản (KĐTM - khu C2 Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái) ở phía Tây; giáp khu đất nông nghiệp, khu nuôi trồng thủy sản (KĐTM - khu C2 Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái) về phía Nam và giáp khu dân cưu hiện hữu, đất nông nghiệp (Khu đô thị hiện hữu - khu C3 Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái) ở phía Bắc.
Nội dung quy hoạch nêu rõ, quy mô diện tích khu trung tâm đô thị tích hợp vào khoảng 687 ha, dự kiến dân số khoảng 2.300 người vào năm 2025.
Mục tiêu của quy hoạch là hình thành hệ thống không gian đô thị, dịch vụ, kết nối hài hòa với đặc điểm tự nhiên, địa hình, mặt nước, sinh thái và trở thành khu chức năng đô thị đặc thù của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái. Đồng thời, quy hoạch cũng là cơ sở pháp lý để thực hiện việc lập quy hoạch chi tiết với tỷ lệ 1/500, quản lý xây dựng, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch, lập dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn.
Ngoài ra, quy hoạch hướng tới xây dựng khu trung tâm tài chính, hành chính... của TP. Móng Cái, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái; trở thành đô thị đầu mối, đô thị dịch vụ thương mại, ngân hàng, tài chính; là cửa ngõ phía Tây của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.