Tại TP.HCM, nhiều văn phòng thừa phát lại chỉ lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền mà không ghi nhận việc mua bán, chuyển nhượng bất động sản.
Hiện nay, trên các website mua bán nhà đất vẫn đăng tải nhiều tin rao bán bất động sản với giấy tờ "công chứng vi bằng". Đa số các nhà, đất này đều chưa có giấy tờ hợp lệ. Đặc biệt, giá rao bán thường rẻ hơn một nửa so với bất động sản chuyển nhượng đúng theo quy định hiện hành.
Cò đất rao bán nhà đất qua vi bằng
Trên một trang mua bán bất động sản, không ít ngôi nhà có mặt tiền đường 4m, rộng 40-80m2 tại các huyện Hóc Môn, Bình Chánh và quận 12 được rao bán với giá khoảng vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng.
|
Cảnh báo của UBND quận 12, TP.HCM về việc mua bán nhà đất qua vi bằng |
Phóng viên trong vài khách tìm mua nhà được môi giới tên Trân giới thiệu có ông anh đang gửi bán ngôi nhà 1 tỷ đồng, diện tích 4x12m, mặt tiền đường 8m, tọa lạc trên đường XTT 31, thuộc địa phận xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn, TP.HCM).
Môi giới này lý giải, căn nhà không sang tên được vì không đủ diện tích tách thửa nên chỉ bán với hình thức "công chứng vi bằng". Chị cho rằng: "Với "công chứng vi bằng" thì không cần phải lo gì, vì cầm vi bằng trong tay thì tài sản đó là của mình, không ai lấy được".
Phóng viên đã gặp chủ đất tên M. thông qua sự giới thiệu của môi giới. Ông M. chia sẻ: "Ba căn nhà của tôi chung một sổ đỏ, tôi không có tiền nên bán hai căn. Những người mua trước, tôi đều làm 'công chứng vi bằng' cho họ. Nếu sau này người mua có bán lại cho người khác thì tìm tôi, tôi sẽ hủy 'công chứng vi bằng' cũ và lập một 'hợp đồng công chứng vi bằng' cho người mua mới. Tất cả người mua nhà chỉ có 'công chứng vi bằng' về việc mua bán chứ còn sổ thì tôi giữ, không đưa ai".
Vi bằng chỉ ghi nhận việc giao nhận tiền
Ghi nhận tại một số văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP.HCM cho thấy, việc lập vi bằng ghi nhận việc mua, bán liên quan tới nhà đất hiện không còn thực hiện mà chỉ ghi nhận việc đôi bên giao nhận tiền.
Theo một nhân viên tại văn phòng thừa phát lại, hiện văn phòng chỉ tiếp nhận việc đôi bên có giao nhận tiền và chụp ảnh lưu lại. Mặt khác, nội dung cũng như lý do giao nhận tiền cũng không được ghi lại. Tuy nhiên, trong trường hợp có ghi thì Sở Tư pháp cũng không công nhận văn bản này.
Vậy nhưng, nhân viên văn phòng thừa phát lại có thể soạn thảo giúp văn bản chuyển nhượng bất động sản để hai bên ký tên. Tuy vậy, văn bản này không liên quan gì tới văn phòng thừa phát lại.
Đại diện Trưởng văn phòng thừa phát lại tại TP.HCM thông tin, một số văn phòng thừa phát lại trước đây lập vi bằng chứng kiến việc mua bán và giao nhận tiền liên quan tới bất động sản. Song, trong 2 năm trở lại đây, vi bằng này khiến không ít người nhầm là hợp đồng mua bán bất động sản. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy về sau. Thế nên, Sở Tư pháp yêu cầu các văn phòng thừa phát lại ngừng lập vi bằng liên quan tới việc mua bán nhà đất.
Theo Pháp Luật Tp.HCM Online