Thời điểm vừa qua là giai đoạn thị trường BĐS Việt Nam trải qua "cửa ải" sàng lọc khắc nghiệt nhất. Đến nay, những doanh nghiệp có khả năng tồn tại được là những doanh nghiệp có năng lực thực sự, có “nghề” làm bất động sản (BĐS).
|
Thị trường BĐS đang bước vào chu kỳ phát triển mới sau thời gian dài
trầm lắng. |
Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tổng Công ty CP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu (GP Invest), ông Nguyễn Quốc Hiệp, một người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực BĐS, chứng kiến nhiều những cung bậc thăng trầm của thị trường nhận định, trên thị trường hiện chỉ còn lại 2 loại doanh nghiệp tồn tại được với “cuộc chơi” BĐS. Với những kiểu đầu tư theo “phong trào”, "chộp giật", đầu tư tràn lan, không có định hướng, triển khai không nghiêm túc đã phải chịu hậu quả là sự thất bại trong cuộc chơi khắc nghiệt.
Hai doanh nghiệp có thể tồn tại vững trên thị trường BĐS hiện nay là những doanh nghiệp thực sự lớn, rất mạnh về tiềm lực tài chính và loại doanh nghiệp “có nghề” kinh doanh BĐS, có sự tính toán kỹ lưỡng đối với từng dự án, triển khai dứt điểm từng dự án một.
Ông Đào Tiến Dũng, Phó TGĐ Công ty CP Đầu tư Hải Phát, người cũng đã từng trực tiếp trải qua những sóng gió của thị trường BĐS chia sẻ, thị trường BĐS trong 3 năm vừa qua đã phơi bày được phần tối nhất của nó.
Có những thời điểm, do tiến độ dự án chậm, không thực hiện đúng thời điểm bàn giao nhà nên doanh nghiệp này tưởng chừng sẽ phải hầu tòa bởi sự khiếu kiện từ phía khách hàng. Khi đó, doanh nghiệp đã phải thanh lý những tài sản quý giá của mình và tìm các đối tác có tiềm lực để hợp tác giải phóng sản phẩm tồn kho.
Nhiều dự án của Hải Phát đã phải "sang tay" cho chủ mới. Đến nay, những doanh nghiệp còn tồn tại được, các hoạt động, kinh doanh vẫn diễn ra tốt ắt sẽ có cơ hội phát triển, ông Dũng nhận định.
Cũng như chủ các doanh nghiệp trên, là một người đã chứng kiến những thăng trầm của thị trường BĐS, ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Xây dựng và Phát triển Đầu tư Hải Phòng (CDI), Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, phát triển dự án nhà giá rẻ hiện đang là xu hướng chính của thị trường BĐS, nguồn cung sản phẩm lớn để ngày càng đáp ứng kịp thời nhu cầu cao của người tiêu dùng. Thực tế này chứng tỏ rằng, đã có sự điều chỉnh trên thị trường BĐS, người làm BĐS đã hướng mũi đầu tư của mình đến nhu cầu thực thay vì chạy theo những kỳ vọng hay theo trào lưu như thời kỳ trước đó.
Theo sự phân tích của TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thị trường BĐS có sự phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2004 - 2014, nhưng đây cũng là thời kỳ bộc lộ rất nhiều vấn đề. Có những nơi, giá của sản phẩm BĐS đã tăng lên tới 300% tại thời điểm những năm 2004 - 2007. Đến thời điểm 2011 - 2013, giá BĐS bắt đầu có sự sụt giảm, có nơi giảm đến 50%. Điều đó đã làm niềm tin của khách hàng cũng như nhà đầu tư bị khủng hoảng trầm trọng, tín dụng hầu như đóng băng, thanh khoản giảm sút mạnh. Kể từ cuối năm 2014 đến nay, cùng với những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế vĩ mô, thị trường BĐS cũng đã ấm dần và số lượng giao dịch được ghi nhận đang dần tăng lên.
Thị trường BĐS trong 10 năm qua đã phát triển cả về quy mô lẫn cấp độ, nhưng sự phát triển đó vẫn chỉ ở cấp độ tiền tệ hóa và những bước ban đầu của cấp độ tài chính hóa. Những yếu tố về tài chính cũng như công cụ tài chính cũng đã manh nha hình thành, nhưng chưa thực sự hoạt động trên thị trường.
Và những doanh nghiệp lớn đã được hình thành trong khoảng thời gian đó. Ở thời điểm hiện tại, trên thị trường cũng chứng kiến sự xuất hiện của những doanh nghiệp mới với vai trò thay thế hoặc làm mới.
Từ sự phân tích trên, TS. Trần Kim Chung đã đưa ra kết luận: Những năm tháng khủng hoảng vừa qua là khoảng thời gian đủ dài để các doanh nghiệp BĐS có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân. Đó là bài học về việc đầu tư, kinh doanh BĐS không thể dựa vào yếu tố đầu cơ, mà phải xuất phát từ nguồn cầu thực của thị trường. Người có nhu cầu thực cũng chính là khách hàng trung thành và có nguồn tài chính lành mạnh nhất.