Liên quan tới tình hình sốt đất thời gian gần đây, Tổng cục Quản lý đất đai đã tham mưu lãnh đạo Bộ TN&MT có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giá đất trên địa bàn.
Ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT cho biết thông tin trên tại họp báo thường kỳ quý 1/2021 do Bộ TN&MT tổ chức mới đây. Sau khi các địa phương công khai thông tin, sốt đất bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt.
Theo khảo sát của VnExpress, trong quý 1/2021, giá đất tại các huyện vùng ven TP.HCM như Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh tăng từ 3-20%. Tuy nhiên, trong tháng 4 vừa qua, giá đất tại các địa phương này đều có xu hướng đi ngang.
Tại Bình Phước cũng không còn cảnh ô tô đậu kín hai bên đường trước cổng Khu du lịch Thác số 4. Giá đất gần sân bay Técníc cũng nhanh chóng hạ nhiệt sau khoảng 1-2 tuần sốt nóng hồi cuối tháng 2 đầu tháng 3.
Tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phan Thiết, Bà Rịa - Vũng Tàu, trong tháng 4/2021, giá đất nền cũng như các tài sản gắn liền với đất cũng không có nhiều biến động.
Tại TP. Hà Nội và các tỉnh lân cận cũng trong tình trạng tương tự.
|
Sốt đất bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi các địa phương công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và giá đất. Ảnh minh họa |
Tổng cục Quản lý đất đai hiện đã tiếp nhận báo cáo của một số địa phương và đang chờ các địa phương khác gửi báo cáo để tổng hợp, phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp hợp lý.
Cơ quan này cũng đã lập kế hoạch kiểm tra quản lý đất đai tại 26 tỉnh và thành phố.
Trong đó, sẽ kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa; việc chuyển mục đích sử dụng đất thuộc diện phải xin phép; việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất trồng lúa để thực hiện dự án 13 tỉnh đã được Thủ tướng chấp thuận từ trước 1/7/2014. Đó là các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Kon Tum, Long An, Bình Định, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu, Bắc Ninh, Hòa Bình, Điện Biên.
Tại TP.HCM, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ kiểm tra các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thuộc diện phải xin phép; quản lý, sử dụng đất trồng lúa; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ để thực hiện các dự án tại địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận từ trước 1/7/2014.
Đồng thời, sẽ kiểm tra việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại một số dự án phát triển nhà.
Tại TP. Hà Nội, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; việc quản lý sử dụng đất tại một số công trình, dự án chậm đưa đất vào sử dụng hoặc không đưa đất vào sử dụng.
Lam Giang
>> Sốt đất khắp nơi, nhà đầu tư phải thật "tỉnh táo"
>> Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương ngăn chặn sốt đất
Link bài viết gốc
http://thanhnienviet.vn/2021/05/04/sot-dat-da-co-dau-hieu-ha-nhiet